Thí sinh không thể trông chờ vào “ăn may”
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đã trả lời: “Đúng là có ý kiến cho rằng đánh “bừa” cũng đúng được 25% nhưng qua phân tích kết quả đánh giá kết quả trắc nghiệm khách quan trong các môn thi vừa qua thì thấy rằng điểm liệt là 1 như phương án chính thức vẫn là hợp lý”.
Tuy nhiên, cán bộ khảo thí của một sở GD-ĐT phía bắc khi trao đổi với PV Thanh Niên vẫn cho rằng nếu cách ra đề và đáp án đề thi trắc nghiệm như các năm trước thì đúng là nếu TS chọn tất cả các phương án là A hoặc B, C, D thì sẽ được tối thiểu 2,5 điểm/môn. Trừ trường hợp TS không làm gì hoặc không biết gì nhưng lại chọn câu thì đáp án A, câu thì B, C, D mới có thể bị điểm liệt.
Trao đổi thêm, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, lý giải: “Đúng là nhiều năm các đề thi trắc nghiệm thường chia đều”. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, việc nhiều năm vẫn làm như vậy không có nghĩa sẽ xảy ra trong năm nay hay các năm tiếp theo. Đáp án đúng có chia đều cho 4 phương án hay không thì không có quy định bắt buộc nào cả, nên điều đó có thể thay đổi ngẫu nhiên từng năm”. Ông Nghĩa cho biết đáp án trắc nghiệm năm nay sẽ chia ngẫu nhiên chứ không phải tất cả các câu đều chia đúng cho 4 phương án.
Ông Nghĩa tư vấn: “TS không nên và không thể trông chờ vào “ăn may” kiểu như vậy, vì xác suất bị điểm liệt và rủi ro là rất lớn”.
Tại cuộc họp báo của Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 28.9.2016 về phương án thi THPT quốc gia 2017, PV Thanh Niên đã đặt câu hỏi: Quy định điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10 điểm) là 1 điểm; điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) của các bài thi tổ hợp cũng 1 điểm. Nhiều ý kiến cho rằng với đề thi trắc nghiệm, thí sinh (TS) có thể đánh “bừa” câu trả lời cũng có thể dễ dàng được tối thiểu 2 điểm. Vậy tại sao Bộ vẫn giữ mức điểm liệt là 1 mà không nâng lên 2 điểm?
Theo TNO
|