Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 18/2017 quy định về liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học với những thay đổi nhất định nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Điều này sẽ có ảnh hưởng tới việc tuyển sinh ở các trường cao đẳng, trung cấp, đặc biệt khối ngành y tế.
Phải tham dự thi THPT quốc gia
Theo quy định mới ban hành, người có trình độ trung cấp (TC) muốn liên thông thẳng lên đại học (ĐH) bắt buộc phải dự tuyển sinh cùng thí sinh tốt nghiệp THPT quốc gia. Thí sinh liên thông một bậc, từ TC lên cao đẳng (CĐ) hay từ CĐ lên ĐH thì mới tham dự kỳ thi do trường CĐ hay ĐH tổ chức.
Quy định này lại tiếp tục nhận nhiều ý kiến phản biện như lúc Thông tư 55 ra đời. Năm 2012, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT quy định về liên thông yêu cầu người tốt nghiệp CĐ, TC chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao hơn, phải dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức. Quy định này đã vấp phải phản ứng của người học với lý do dừng học các môn văn hóa đã lâu, sẽ khó để thi cho tốt. Đến năm 2015, Bộ GD-ĐT thay đổi quy định này, thí sinh tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng sẽ không phải thi tuyển cùng với kỳ thi THPT quốc gia. Thay vào đó, các trường ĐH sẽ tự tổ chức thi tuyển và ra đề thi với những môn thi cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành.
|
Hiệu trưởng một trường TC tại TP.HCM nhìn nhận: “Dù là tốt nghiệp TC hay CĐ, thì việc thi 2 môn cơ sở và chuyên ngành vẫn là các môn quan trọng nhất để đánh giá năng lực nếu sinh viên đó muốn học lên bậc học cao hơn. Còn nếu phải thi các môn văn hóa trong kỳ thi THPT quốc gia thì các em phải quay về ôn thi lại từ đầu những kiến thức có thể đã quên từ lâu, gần như “đánh đố” các em. Điều này cũng không cần thiết”.
Bà Đào Thị Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường TC Phương Nam, cho rằng việc yêu cầu học sinh tốt nghiệp TC khi liên thông phải thi kỳ thi THPT quốc gia là một rào cản quá lớn để các em có thể học tiếp. “Chính sách liên thông là dành cho những người có trình độ thấp, đã có kinh nghiệm làm việc, muốn nâng cao trình độ. Vì vậy, họ nên được tham dự kỳ thi đánh giá chuyên môn do trường ĐH tổ chức như lâu nay các trường vẫn làm. Trong kỳ thi đó, chắc chắn trường ĐH phải đưa ra các yêu cầu phù hợp, ai vượt qua được thì mới trúng tuyển”, bà Ngọc cho biết.
Trên thực tế, sau khi áp dụng Thông tư 55 thì các trường ĐH vẫn có điểm chuẩn riêng dành cho thí sinh tốt nghiệp TC, CĐ dự thi liên thông và điểm này thường thấp hơn điểm trúng tuyển ĐH chính quy khá nhiều. Điều đó cho thấy, dù có tham dự kỳ thi chung mà điểm chuẩn thấp thì chất lượng đầu vào cũng không cao.
Ông Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, cũng chia sẻ: “Trường ĐH tổ chức thi và đào tạo liên thông sẽ tự chịu trách nhiệm về quản lý việc thi, học ra sao. Chất lượng đầu vào có tốt hay không là phụ thuộc vào kỳ thi đánh giá của trường. Vì vậy, việc để thí sinh TC phải thi kỳ thi THPT quốc gia chưa chắc đã khiến chất lượng đào tạo tốt hơn”.
|
Phải có chứng chỉ hành nghề
Quy định mới cũng yêu cầu người tốt nghiệp CĐ, TC khối ngành sức khỏe muốn liên thông lên ĐH phải có chứng chỉ hành nghề.
Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM bày tỏ: “Quyết định ký tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về việc muốn lấy chứng chỉ hành nghề để thi liên thông thì phải làm sao, lộ trình như thế nào, ai sẽ cấp chứng chỉ này và điều kiện cấp là gì? Việc này khiến các em đang theo học khối ngành sức khỏe hoặc mới tốt nghiệp muốn liên thông ngay đang hoang mang”.
Theo thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM, những năm qua, các trường tuyển sinh liên thông khối ngành sức khỏe chỉ yêu cầu thí sinh có giấy chứng nhận có một năm kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở y tế. “Tôi chưa hình dung ra việc lấy chứng chỉ hành nghề này sẽ diễn ra như thế nào, các em sẽ làm gì để được cấp?”, ông Sáng băn khoăn.
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), cho biết hiện nay những người tốt nghiệp khối ngành sức khỏe muốn làm việc tại các bệnh viện phải có chứng chỉ hành nghề. Để được cấp, người tốt nghiệp phải có 9 tháng thực hành tại các cơ sở y tế, đối với bác sĩ phải là 18 tháng. Sau đó, cơ sở này sẽ xác nhận tay nghề. Muốn được cấp thẻ, những người làm việc sẽ nộp văn bằng, giấy này và các giấy tờ cần thiết khác về sở y tế địa phương để xin cấp chứng chỉ hành nghề. “Đó là yêu cầu hợp lý và cần thiết đối với người muốn liên thông khối ngành sức khỏe, nhưng cũng cần có hướng dẫn để người học biết mình phải làm thế nào để có chứng chỉ”, bác sĩ Phú nhìn nhận.
TNO