Các bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường khởi nghiệp sẽ tìm thấy giải pháp qua những chia sẻ thực tế về vấn đề khởi nghiệp của sinh viên từ giảng đường trong buổi tư vấn “Khởi nghiệp sinh viên – Từ khát vọng tới hiện thực” do Trường Đại học FPT phối hợp với báo điện tử Dân trí tổ chức vào 14h chiều ngày 19/4.
Độc giả quan tâm vui lòng đặt câu hỏi tại đây.
“Khởi nghiệp khi đang là sinh viên có thể không phải là con đường lựa chọn của tất cả, tuy nhiên trường học lại là nơi tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh. Sinh viên muốn khởi nghiệp nên mang theo tinh thần Việt Nam, sẵn sàng chịu khó, chịu khổ… với tâm thế hướng ra toàn cầu.” – TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Trường Đại học FPT – nơi cứ 100 sinh viên thì có đến khoảng 5 sinh viên khởi nghiệp cho biết.
Khởi nghiệp tại Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trên con đường hướng tới mục tiêu tạo dựng hình ảnh quốc gia khởi nghiệp. Tờ Techinasia ước tính, hiện có 1.500 công ty khởi nghiệp Việt Nam đang hoạt động – mức độ tập trung cao hơn rất nhiều so với Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ. Việt Nam đang có nhiều khởi sắc trong giai đoạn khởi động này với đầy đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” đều đã chín muồi. Đầu năm nay, Diễn đàn kinh tế thế giới cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã bắt đầu – đó là thiên thời. Việt Nam có 65% của 94 triệu người là thế hệ internet nên đang ở độ tuổi sáng tạo nhất – đó là địa lợi. Còn nhân hòa chính là nỗ lực của các bạn trẻ.
Thêm vào đó, bên cạnh chương trình đào tạo kiến thức chuyên ngành, dường như chưa bao giờ các hoạt động khuyến khích, động viên tinh thần khởi nghiệp trong giảng đường lại được khơi dậy mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi, cuộc thi khởi nghiệp…, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của sinh viên đi xa hơn hay tạo môi trường để sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp trong quá trình thực tập thực tế.
Sinh viên mới ra trường được đánh giá là nguồn nhân lực dồi dào cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Mỗi năm nước ta có khoảng 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp, nhưng có đến 225.500 sinh viên không tìm được việc làm, trong khi Việt Nam có khoảng 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp cho thấy nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng và tiềm năng tương xứng. Nguyên nhân là do các trường đại học công nghệ tại Việt Nam mới chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, chưa trang bị cho sinh viên kiến thức cần thiết trong lĩnh vực khởi nghiệp như: lập kế hoạch kinh doanh, đánh giá nhu cầu thị trường, thuyết trình kêu gọi đầu tư… Do đó, nhiều sinh viên chưa thể thực hiện được ngay mà cần thời gian làm việc rồi mới có thể khởi nghiệp.
Tại Đại học FPT, người học xác định được đích đến là người làm chủ doanh nghiệp, mang lại giá trị cho xã hội, họ biết bản thân cần học gì để lên kế hoạch rèn luyện, tích lũy trong quãng đường 4 năm đó. Chính vì vậy, theo khảo sát mới nhất của ĐH FPT, 98% sinh viên Đại học FPT có việc làm sau khi tốt nghiệp, 19% sinh viên làm việc tại nước ngoài, ở các quốc gia phát triển và có tới 5% sinh viên khởi nghiệp.
“Những người khởi nghiệp thành công, họ luôn trau dồi kiến thức, sẵn sàng học hỏi và làm việc gấp nhiều lần người bình thường. Họ là người nghĩ lớn, mơ lớn nhưng chắt chiu từng kết quả nhỏ” – ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT cho biết.
Chàng cựu sinh viên Đại học FPT – Võ Thanh Quảng – người sáng lập trang web Haivl chính là một ví dụ điển hình cho hành trình khởi nghiệp. Võ Thanh Quảng đã giành được học bổng toàn phần của Trường Đại học FPT. Trong môi trường học tập của Đại học FPT, Võ Thanh Quảng đã phát huy được tài năng của mình. Năm thứ 2 đại học, Quảng vinh dự đạt giải nhì Lập trình sinh viên Quốc tế ACM/ICPPC khu vực Châu Á 2009. Năm thứ 3 đại học, Quảng đã được nhận vào làm việc tại Tập đoàn FPT. Sau khi tốt nghiệp, Quảng được Tập đoàn FPT cử sang làm việc với đối tác tại Vương quốc Anh trong thời gian 6 tháng. Quãng thời gian tại Anh không chỉ giúp Quảng trau dồi thêm các kỹ năng về công nghệ, tin học mà còn tạo cho Quảng nhiều thói quen trong phong thái, tác phong làm việc một cách chuyên nghiệp mà ít có trường lớp nào chỉ dạy.
Chỉ 1 năm sau khi tốt nghiệp Đại học FPT, Võ Thanh Quảng đã thành lập công ty riêng – Công ty CP Công nghệ APPVL Việt Nam (chuyên thiết kế, kinh doanh các sản phẩm online). Sau 10 tháng ra mắt, website haivl.com dưới sự điều hành của Quảng đã lọt top 14 website có lượng người xem nhiều nhất Việt Nam (theo thống kê của Alexa). Khi biết doanh thu của trang web này trung bình 800 triệu đồng/tháng, Công ty cổ phần Quảng cáo trực tuyến 24h đã từng trả mức giá 33 tỉ đồng để mua lại haivl.
Đỗ Tiến Hưng (cựu sinh viên ĐH FPT) – CEO công ty TNHH phần mềm và dịch vụ G.V.N cũng từng chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình rằng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong quãng thời gian học đại học là điểm xuất phát giúp cậu vượt qua khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Bắt đầy khởi nghiệp không những không có vốn mà còn nợ ngân hàng lên tới 200 triệu đồng do thất bại trong kinh doanh trước đó. Để duy trì cuộc sống và có tiền trả nợ, Hưng phải làm thêm đủ công việc, mỗi ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng, ròng rã trong suốt một năm trời. Sau đó, cậu làm thêm nhiều dự án, tích lũy kiến thức và mở rộng các mối quan hệ để khởi nghiệp lần thứ hai và thành công.
Còn chàng trai Nguyễn Việt Hùng dù mới là sinh viên năm 2 nhưng đã khởi nghiệp cách đây hơn 1 năm và xây dựng được hệ thống lớp dạy thiết kế đồ họa với doanh thu hơn 200 triệu đồng, thu hút hàng trăm học viên mỗi tháng. Hùng theo đuổi mô hình giáo dục bởi đam mê hội họa, thiết kế từ nhỏ và chịu ảnh hưởng nhiều từ chính môi trường Đại học FPT, nơi cậu đang theo học. Giữa hàng trăm nghìn lớp dạy thiết kế đồ họa khác, Hùng tạo khác biệt cho sản phẩm của mình nhờ giá tốt, chương trình học căn bản đề cao tính ứng dụng, hướng đến đối tượng khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Gương cựu sinh viên khởi nghiệp thành công của Đại học FPT còn phải kể đến: Tôn Hồng Đức với TechKids – khóa học lập trình cho trẻ em, Trần Trung Hiếu – TopCV – công cụ trực tuyến đã giúp hơn 100.000 người tạo được CV (sơ yếu lý lịch) một cách nhanh chóng, hay Trần Huy Trung với BetterCre – cung cấp dịch vụ thiết kế đồ hoạ và sản xuất các ấn phẩm truyền thông sáng tạo …
Ai cũng có những giấc mơ, khát vọng, ai cũng đôi lần mộng tưởng nhiều hoài bão. Thế nhưng, bao nhiêu người đã biến chúng thành sự thật như Võ Thanh Quảng, Trần Trung Hiếu, Nguyễn Việt Hùng, Trần Huy Trung …?
Các bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường khởi nghiệp đầy thử thách và cả những người đang loay hoay tìm lối đi cho mình sẽ tìm thấy giải pháp qua những chia sẻ thực tế về vấn đề khởi nghiệp của sinh viên từ giảng đường thông qua các khách mời: TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban chương trình quốc gia về vấn đề việc làm, Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT, Cựu sinh viên Đại học FPT Trần Trung Hiếu, Founder – CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam.
Chương trình tư vấn sẽ diễn ra vào lúc 14h ngày 19/4/2017.
Thông tin khách mời:
TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT, thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Việt Nam. Ông có gần 20 năm nghiên cứu và công tác trong lĩnh vực giáo dục. Ông là người tâm đắc với chủ đề khởi nghiệp và có nhiều nghiên cứu, bài viết về vấn đề này.
TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội. Ông cũng là chuyên gia tư vấn của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO (tổ chức của Liên hợp quốc). Ông có rất nhiều bài chia sẻ truyền cảm hứng cho người trẻ Việt trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT. Bà có thâm niên hơn 5 năm làm việc trong môi trường giáo dục FPT.
Trần Trung Hiếu – Cựu sinh viên Đại học FPT, Nhà sáng lập TopCV – công cụ trực tuyến đã giúp hơn 100.000 người tạo được CV (sơ yếu lý lịch) một cách nhanh chóng, ấn tượng.
Độc giả quan tâm vui lòng đặt câu hỏi tại đây.
Dân trí