Trong các kỳ thi THPT quốc gia các năm 2016, 2017 và 2018 tại Sở GD-ĐT Bình Định có những dấu hiệu vi phạm trong tổ chức kỳ thi. Lãnh đạo Sở này cũng thừa nhận vi phạm nhưng cho rằng do thiếu con người, áp lực kỳ thi quá lớn.
Bà Trịnh Thị Bích Yến (55 tuổi, ngụ phường Thị Nại, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, vừa nghỉ hưu, trước đây là công chức công tác tại Phòng Giáo dục Trung học thuộc Sở GD&ĐT Bình Định) đã có đơn gửi các cơ quan báo chí tố cáo hàng loạt dấu hiệu được cho là vi phạm của giám đốc, lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ĐT Bình Định.
Theo đơn, bà Yến tố cáo việc ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định vi phạm Quy chế thi THPT quốc gia cụm thi do Sở GD&ĐT Bình Định chủ trì năm 2016 và 2017. Cụ thể, năm 2016 và 2017, ông Tuấn là Chủ tịch Hội đồng thi, đồng thời cũng là Trưởng 4 Ban quyết định quá trình tổ chức và kết quả kỳ thi: Ban In sao đề thi, Ban Coi thi, Ban Làm phách và Ban Chấm thi.
Theo quy định, Ban Làm phách làm việc độc lập với các ban khác, không được tham gia vào Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo; Ban In sao đề thi làm việc tập trung theo nguyên tắc cách ly triệt để để từ khi mở niêm phong đề thi đến hết bài thi cuối cùng. Tuy nhiên, năm 2016, Giám đốc Sở ký Quyết định thành lập Hội đồng thi, trong đó có nhiều người tham gia ở nhiều ban. Điều này là vi phạm quy chế thi.
Điển hình, kỳ thi năm 2017, ông Võ Văn Thái tham gia 5 Ban: Thư ký, In sao đề thi, Làm phách, Chấm thi và Phúc khảo. Ông Trần Xuân Tình 4 Ban: In sao đề thi, Làm phách, Chấm thi và Phúc khảo. Ông Bùi Quốc Anh – Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Thường xuyên ở 4 Ban: Thư ký, In sao đề thi, Làm phách và Chấm thi. Ông Phan Thanh Liêm ở 4 Ban: Trưởng ban Thư ký, Phó ban In sao đề thi, Phó ban Chấm thi và Phó ban Phúc khảo.
Ngày 28/6/2017, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã phát hiện sai phạm của Hội đồng thi, của Giám đốc Sở và yêu cầu chấn chỉnh. Tuy nhiên, sau đó Giám đốc Sở tiếp tục khi cử ông Phan Thanh Liêm – Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng làm trưởng Ban Chấm thi. Điều 24 Quy chế thi THPT quốc gia quy định Trưởng Ban Chấm thi phải do lãnh đạo Hội đồng kiêm nhiệm, trong khi ông Liêm chỉ là ủy viên hội đồng.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Giám đốc Sở Đào Đức Tuấn cũng bố trí 3 cán bộ làm việc ở nhiều ban – điều này vi phạm Quy chế thi…
Theo bà Yến, trong 2 năm 2016 và 2017, Giám đốc Sở Đào Đức Tuấn liên tục vi phạm Quy chế thi nhưng không nghiêm túc nhận khuyết điểm, không có ý thức tự phê bình, cố tình che giấu sai phạm. Trong báo cáo kết quả thi đua năm 2017 của Giám đốc Sở không trung thực, tự đánh giá cao về mình khi làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Ngày 5/7/2017, trong buổi tiếp xúc cử tri của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Trường ĐH Quy Nhơn, có lãnh đạo tỉnh, ban ngành tham dự, đích thân bà Yến đã phản ánh điều này lên Bộ trưởng Nhạ. Bộ trưởng Nhạ đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh và các ban ngành kiểm tra làm rõ. Tuy nhiên, Hội đồng thi đua khen thưởng của tỉnh vẫn xét duyệt, báo cáo đề xuất cho ông Tuấn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Yến cho biết: “Sau khi kiểm tra, xác minh đơn tố cáo, ngày 29/6/2018, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Bình Định thông báo kết luận những nội dung tố cáo là có và có phần đúng: ông Tuấn vi phạm Quy chế thi năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, UBKT Tỉnh ủy cho rằng do áp lực của việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia rất lớn, trong điều kiện lãnh đạo Sở vừa thiếu, vừa mới bổ nhiệm và 2 kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 và 2017 của tỉnh diễn ra nghiêm túc, an toàn nên không xem xét, xử lý kỷ luật vi phạm mà chỉ yêu cầu Giám đốc Sở Đào Đức Tuấn nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trước Đảng ủy Sở GD&ĐT”.
Liên quan đến những vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Hùng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định thừa nhận, Giám đốc Sở vi phạm, nhưng sau khi đoàn kiểm tra thi do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra thì Sở đã điều chỉnh kịp thời.
Ông Hùng lý giải, từ năm 2014 đến nay, quy chế kỳ thi THPT quốc gia thay đổi liên tục. Tuy nhiên, do áp lực của việc tổ chức rất lớn, trong điều kiện lãnh đạo Sở vừa thiếu, vừa mới được bổ nhiệm nên có sự điều hành thống nhất, dẫn đến lãnh đạo Sở kiêm nhiệm các ban.
Nói về những vi phạm của Giám đốc Sở đã được phát hiện, nhắc nhở, nhưng sau đó vẫn được tặng Bằng khen của Thủ tướng. Ông Hùng cho biết thêm: “Do Hội đồng thi đua khen thưởng của tỉnh đã đề xuất từ trước đó và những vi phạm trước đó đã được điều chỉnh kịp thời”.
Đối với việc một số cán bộ, thành viên tham gia ở nhiều ban, ông Hùng cũng cho biết do áp lực kỳ thi trong khi đội ngũ lãnh đạo thiếu, một số người tham gia ở nhiều ban do có chuyên môn, kinh nghiệm…
“Làm công tác này rất khó chứ không phải đơn giản, nếu mới chưa có kinh nghiệm thì sai 1 ly đi 1 dặm…”, ông Hùng bộc bạch.
Theo bà Yến phản ánh, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tại Bình Định, điểm phúc khảo bài thi của một số thí sinh (TS) tăng đột biến, khác thường (từ 10 – 15 điểm). Điển hình như TS Châu Ngọc T. tăng từ 9 lên 20,5: thi 3 môn: Giáo dục công dân từ 3,75 lên 8,75 điểm; Địa lí từ 2 lên 5,75 điểm và Lịch sử từ 3,75 lên 6 điểm. TS Huỳnh Như T. từ 5,25 thành 21,5 điểm. TS Nguyễn Thành T. tăng từ 9 lên 19 điểm. TS Phạm Đình Phi T. tăng từ 8 thành 16,25 điểm. Đây cũng là 4 TS phúc khảo cả 3 môn thi và có số điểm tăng đột biến, bất thường nhất trong số 34 bài phúc khảo năm 2017. Các TS, bài thi còn lại điểm sau phúc khảo không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể từ 0,25 – 1 điểm.
Về việc 4 TS được phúc khảo 12 môn thi có số điểm tăng đột biến, bất thường trên dưới 10 điểm, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Định lý giải, do các TS này tô nhầm mã đề, còn các TS khác do tô mờ đáp áp.
Theo Dantri