Theo đó, thời gian thực hiện thi học kì 1 bắt đầu từ ngày 10 đến ngày 23.12, tùy mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Đối với lớp 12, các trường biên soạn đề môn Văn theo hình thức tự luận (gồm phần Đọc hiểu và Làm văn). 8 môn gồm Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân theo hình thức trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn. Đề Toán và Ngoại ngữ gồm 50 câu, các môn còn lại là 40 câu.
Sở hướng dẫn cụ thể, đối với khối 12, với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ mỗi môn biên soạn một đề thi chung cho toàn khối. Các môn còn lại về khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), nhà trường có thể chọn một trong hai phương án hoặc là mỗi môn biên soạn một đề thi chung cho toàn khối hoặc là mỗi môn biên soạn thành hai đề A và B.
Mỗi đề có 60% phần cơ bản giống nhau, còn lại là phần phân hóa khác nhau, trong đó đề A có mức độ phân hóa thấp, đề B có mức độ phân hóa cao hơn. Các trường cho học sinh đăng ký và sắp xếp cho các em dự thi thành hai nhóm (nhóm môn KHXH theo đề A, KHTN theo đề B hoặc ngược lại).
Mỗi đề thi trắc nghiệm khách quan được xáo trộn thành 4 đến 6 mã đề khác nhau. Xáo trộn theo từng phần, phần cơ bản thuộc 60% đầu và phần phân hóa thuộc 40% sau của đề thi.
Trước đó, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức tập huấn thiết kế câu hỏi trắc nghiệm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân cho Tổ trưởng chuyên môn của các trường THPT và GDTX trên địa bàn.
Có thể thấy, việc thay đổi hình thức thi học kỳ như trên nhằm giúp các em làm quen với kỳ thi THPT Quốc gia cũng như để giáo viên các trường “luyện” khả năng ra đề thi trắc nghiệm.
Theo Hoài Nam
|