Thông tin Bộ GD-ĐT cập nhật liên tục mấy ngày qua cho thấy số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH có chiều hướng đảo chiều so với 2 năm trước.
Gần 75% đăng ký xét tuyển ĐH
Hai năm qua khi kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức 2 cụm thi với 2 mục đích khác nhau: Cụm thi dành cho thí sinh (TS) chỉ thi để xét tốt nghiệp do địa phương chủ trì, cụm thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh ĐH do trường ĐH chủ trì. Vì thế số TS đăng ký xét tuyển ĐH có chiều hướng giảm hẳn so với khi có 2 kỳ thi riêng. Cụ thể, theo thống kê của Bộ, năm 2016 có hơn 286.000 TS cả nước đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm 32% trong tổng số tham dự kỳ thi, tăng 4% so với kỳ thi năm 2015.
Khi đó, một lãnh đạo Bộ đã cho rằng đây là tín hiệu vui vì công tác phân luồng, hướng nghiệp đã có hiệu quả, thay vì đổ xô vào ĐH thì học sinh đã biết lượng sức mình, chỉ thi để xét tốt nghiệp và sau đó sẽ đi học nghề hoặc làm những việc phù hợp với khả năng.
Tuy nhiên, năm nay khi kỳ thi THPT quốc gia chỉ còn một loại cụm thi, học sinh đăng ký xét tuyển ĐH ngay trong quá trình đăng ký dự thi, đã cho thấy số lượng TS đăng ký xét tuyển có chiều hướng tăng. Cụ thể, tính đến ngày 19.4 khi nhiều tỉnh nhập xong dữ liệu, đã có 583.221 hồ sơ TS đăng ký xét tuyển ĐH trên tổng số 779.340 đăng ký dự thi (chiếm tới gần 75%).
Do không còn phải chọn cụm thi ?
Ghi nhận của PV Thanh Niên ở một số địa phương cho thấy số TS đăng ký xét tuyển ĐH đều có chiều hướng tăng. Tại Hà Nội, năm 2016 dư luận khá bất ngờ khi có tới hơn 16.000 TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp (năm 2015 là hơn 11.000). Năm nay, theo lãnh đạo Phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội, số lượng TS đăng ký xét tuyển ĐH của TP chắc chắn sẽ tăng đáng kể so với năm ngoái vì học sinh được quyền thoải mái lựa chọn nguyện vọng (NV), lại không phải tính toán xem nên lựa chọn cụm thi nào nữa, nên tâm lý chung là cứ chọn một vài NV để xét tuyển vì chẳng phải thi thêm hay chọn cụm thi nào.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hòa Bình, cho biết có hơn 8.000 hồ sơ đã được nhập lên hệ thống phần mềm của Sở. Trong đó, đăng ký xét tuyển ĐH tăng khoảng 10% so với năm trước. Cụ thể, xét tuyển ĐH hơn 40%, số thi chỉ để xét tốt nghiệp là 58,4% trong khi năm 2016 có gần 70% chọn thi ở cụm thi địa phương chỉ để xét tốt nghiệp (con số này tăng hơn 10% so với năm 2015).
Tỉnh Nghệ An năm nay có 10.502 học sinh đăng ký chỉ thi tốt nghiệp, 19.663 đăng ký xét tuyển ĐH. Trong khi năm 2016 toàn tỉnh có 12.744 đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm hơn 44%, trong đó các trung tâm giáo dục thường xuyên và một số trường tỷ lệ chỉ xét tốt nghiệp lên tới 90 – 100%…
Không chỉ tăng về số TS đăng ký xét tuyển ĐH, năm nay số lượng NV mà các TS đã đăng ký cũng tăng mạnh khi so sánh với các năm trước. Năm 2015, trong đợt 1 mỗi TS chỉ có 1 NV; năm 2016 mỗi TS được đăng ký tối đa 4 NV vào 2 trường. Tới năm 2017, chỉ tính đến NV thứ 5 đã có tới gần 35% TS đăng ký, những NV tiếp sau lên tới khoảng 60%…
|
Một số ý kiến cho rằng Bộ và các địa phương có vẻ hơi “lạc quan” hay đúng hơn là quan liêu khi năm trước đã nhận định số TS đăng ký xét tuyển ĐH giảm là do công tác phân luồng, hướng nghiệp. Thực tế, 2 năm trước khi có 2 loại cụm thi, nhiều TS và các gia đình, nhà trường cũng phải “cân não” tư vấn cho học sinh chọn cụm thi nào cho vừa sức. Nhiều trường THPT có chất lượng đầu vào thấp, sức học của học sinh chủ yếu ở mức trung bình, thậm chí đã phải họp phụ huynh khối 12 để đề nghị phụ huynh cùng học sinh cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn cụm thi. Về mặt lý thuyết, Bộ vẫn khẳng định độ nghiêm túc của hai cụm thi là ngang bằng nhau, nhưng phụ huynh và học sinh vẫn rỉ tai nhau là thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì chắc chắn việc coi thi sẽ rất nghiêm túc. Nếu học yếu mà thi ở cụm thi do ĐH chủ trì thì nguy cơ ĐH cũng trượt mà tốt nghiệp cũng không đỗ.
Có nơi 70% đăng ký chọn môn khoa học xã hội
Thống kê của Bộ cho thấy số TS chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội chiếm gần 50%, nhưng một số nơi tỷ lệ này chiếm áp đảo so với tổ hợp khoa học tự nhiên. Thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An, số TS chọn các môn thi khoa học xã hội chiếm gần 70% (gần gấp đôi so với năm 2016); Hòa Bình chiếm 70%, chưa kể khoảng hơn 2.000 TS chọn cả 2 bài thi…
Tại Bắc Giang, khối THPT có khoảng 30% TS chọn tổ hợp khoa học tự nhiên, còn lại tới 70% đăng ký tổ hợp khoa học xã hội. Với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, tỷ lệ TS chọn bài khoa học xã hội chiếm gần 90%; Lào Cai cũng có tới gần 62% TS chọn bài khoa học xã hội…
Ông Lưu Hải An, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên, TP.Bắc Giang, nhận định: “Xu hướng chọn bài thi tổ hợp của học sinh lớp 12 năm nay phụ thuộc vào mục đích lựa chọn kỳ thi THPT quốc gia, tổ hợp các môn xét tuyển của các trường ĐH và năng lực của mỗi TS. Năm nay, nhiều trường ĐH đã đưa ra các tổ hợp môn xét tuyển mới gắn với các môn thành phần của bài thi khoa học xã hội, mở ra các lựa chọn mới. Do đó việc nhiều TS chọn bài thi khoa học xã hội trong kỳ thi cũng hết sức tự nhiên, không có gì bất ngờ.
Thanh niên