Tại sao các trường quân đội chỉ xét tuyển NV1?

0
1424
¡i diÇn các tr°Ýng quân Ùi tham gia t° v¥n cho các thí sinh t¡i Ch°¡ng trình t° v¥n tuyÃn sinh h°Ûng nghiÇp do báo T°Õi Tr» tÕ chéc t¡i TP Buôn ma ThuÙt ngày 18-2 ¢nh: Thái Bá Ding
Đây là băn khoăn của nhiều thí sinh ngay sau khi Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) công bố quy định các học viện, trường trong quân đội chỉ xét tuyển với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.

Đại diện các trường quân đội tham gia tư vấn cho thí sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột ngày 18-2 – Ảnh: Thái Bá Dũng

Cụ thể, trong xét tuyển đợt 1, thí sinh (TS) có nguyện vọng (NV) dự tuyển vào các trường trong quân đội bắt buộc phải đăng ký xét tuyển NV1 (NV cao nhất) vào trường đã nộp hồ sơ sơ tuyển.

Các NV còn lại TS đăng ký vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội. Nếu TS không đăng ký xét tuyển NV1 sẽ không được tham gia xét tuyển.

Thứ tự NV: ưu tiên hay bình đẳng trong xét tuyển?

Trong khi đó, quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 của Bộ GD-ĐT ban hành trước đó quy định rất rõ: TS được đăng ký không giới hạn NV nhưng phải đánh số thứ tự ưu tiên của các NV. Thứ tự ưu tiên này chủ yếu có giá trị với mỗi TS trong xét tuyển: khi đã trúng tuyển NV cao hơn, sẽ không được xét các NV sau. Còn giữa các TS với nhau cùng đăng ký vào một ngành hay một trường thì dù thứ tự NV là bao nhiêu cũng sẽ được xét tuyển bình đẳng như nhau.

Nhiều TS có NV vào hệ quân sự trường quân đội bày tỏ băn khoăn: hướng dẫn tuyển sinh vào trường quân đội liệu có trái với quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, khi bắt buộc TS phải đăng ký NV1 mới được xét tuyển hay không? Tại sao chỉ khi không trúng tuyển vào trường quân đội, TS mới được sử dụng các NV tiếp theo để xét tuyển vào hệ dân sự trường quân đội hoặc các trường ngoài quân đội khác?

Đáp lại thắc mắc này, Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết quy định đặc thù này của tuyển sinh quân đội đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất từ chính Bộ GD-ĐT trong quá trình góp ý xây dựng quy chế tuyển sinh.

Ban tuyển sinh quân sự đã có văn bản gửi đến Bộ GD-ĐT, trong đó cũng đã nêu quy định đặc thù trong tuyển sinh quân đội là TS muốn đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội phải qua sơ tuyển về chính trị, sức khỏe, độ tuổi. TS phải đạt điều kiện sơ tuyển mới làm hồ sơ dự tuyển và phải đăng ký xét tuyển NV1 (NV cao nhất) vào một trường quân đội và chỉ được đăng ký một NV1 ngay từ khi sơ tuyển.

“Quá trình tuyển sinh đồng thời cũng là tuyển dụng vào biên chế chính thức của quân đội, do vậy chỉ tiêu tuyển sinh là pháp lệnh, số lượng thí sinh trúng tuyển phải bằng chỉ tiêu tuyển sinh, các trường không được tuyển thừa” – văn bản này nêu rõ.

Về cơ bản, các trường trong quân đội đều tuyển sinh trên địa bàn toàn quốc, chỉ tiêu tuyển sinh từng trường không bằng nhau (từ 50-600 chỉ tiêu/trường). Tuy nhiên quá trình tuyển chọn phải đảm bảo theo địa chỉ sử dụng, theo đối tượng nam – nữ, vùng miền hoặc từng quân khu. Tất cả TS đăng ký dự tuyển vào các trường trong quân đội đều phải qua sơ tuyển, quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, chiều cao, cân nặng, tật khúc xạ… của một số trường là khác nhau.

Theo quy định của Ban tuyển sinh quân sự, hồ sơ sơ tuyển của TS trước khi xét tuyển đã được nộp về trường TS có NV xét tuyển và được hội đồng tuyển sinh các trường xem xét, phê duyệt và thông báo kết quả sơ tuyển cho từng TS.

Đã có sự thống nhất từ Bộ GD-ĐT

PGS.TS Nguyễn Phong Điền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho rằng việc các trường quân đội yêu cầu TS muốn xét tuyển phải đăng ký NV1 hoàn toàn không ảnh hưởng đến các trường khối dân sự.

“TS muốn vào trường quân đội thì phải thể hiện quyết tâm, đặt mục tiêu cao nhất vì quá trình học tập cũng chính là quá trình rèn luyện. Ngoài ra, đặc thù tuyển sinh quân đội cũng chính là tuyển dụng người học vào ngành nên quy trình tuyển sinh rất chặt chẽ.

Để xét tuyển ĐH ngoài quân đội, bình thường TS chỉ cần nộp hồ sơ và dự thi là xong, trong khi để thực hiện tuyển sinh quân sự, Ban tuyển sinh quân sự cùng quân đội địa phương phải thực hiện thêm nhiều khâu, từ sơ tuyển sức khỏe đến xác minh lý lịch… rất phức tạp” – ông Điền phân tích.

Ông Điền cho rằng bản thân các trường ĐH dân sự như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội rất ủng hộ chủ trương này. Thực tế năm 2016, không ít TS đã trúng tuyển đợt 1 vào trường ĐH dân sự, nhưng khi trường quân sự thông báo tuyển bổ sung đợt 2 thì các TS này lại xin rút hồ sơ để nộp vào trường quân đội ứng thí, khiến các trường ĐH dân sự bị động trong kế hoạch tuyển sinh.

Ngày 21-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) – cho rằng trước hết nên hiểu từng quy định của quy chế tuyển sinh trong một chỉnh thể toàn diện, thống nhất.

Bà Phụng dẫn chứng điều 13 quy chế tuyển sinh ĐH chính quy của Bộ GD- ĐT đã quy định: “TS đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của bộ liên quan”.

Như vậy, quy chế tuyển sinh đã tính đến các yếu tố đặc thù của các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, do các bộ hữu quan hướng dẫn.

Vậy quy định đặc thù này có làm ảnh hưởng quyền lợi thí sinh và gây khó các trường ĐH dân sự? Bà Phụng cho rằng ngoài mục đích nhằm tuyển TS có quyết tâm cao vào các trường công an, quân đội để sau này làm những công việc đặc thù, nhiều khó khăn, nguy hiểm, thì quy định này còn như một quy ước mà các trường đều mong muốn để tăng tính dự liệu trước, thực hiện chính sách ổn định trong tuyển sinh.

Đã đăng ký NV1 vào trường quân đội vẫn được thay đổi sau khi có kết quả thi

Đây là thông tin được đại diện Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) chính thức xác nhận với Tuổi Trẻ vào chiều 21-2.

Theo đó, ngay cả khi TS đã đăng ký NV1 vào trường quân đội và đã qua sơ tuyển, nhưng sau khi có kết quả thi, trong thời hạn quy định của Bộ GD-ĐT, nếu TS muốn thay đổi NV ưu tiên cao nhất sang trường ĐH ngoài quân đội thì vẫn được điều chỉnh bình thường để đảm bảo quyền lợi.

Để không phải trừ thí sinh ảo

“Quy định này xuất phát từ thực tế một số năm gần đây, các ngành đào tạo thuộc các trường quân đội, công an đều lấy điểm cao và được thí sinh ưu tiên chọn nhập học nếu đủ điều kiện trúng tuyển.

Thậm chí còn có tình trạng nhiều TS đã trúng tuyển ĐH ở các trường dân sự khi trúng tuyển trình độ CĐ, trung cấp thuộc các trường khối công an, quân đội (xét tuyển sau) lại muốn rút hồ sơ hoặc bỏ học ở trường ĐH để nhập học vào trình độ trung cấp, CĐ thuộc khối công an, quân đội, gây xáo trộn hoặc làm cho các trường phải gọi nhập học nhiều hơn chỉ tiêu để dự phòng dẫn đến khó quản lý chỉ tiêu và chất lượng đào tạo.

Vì vậy, quy định trên đã được Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến của một số trường ĐH (cả khối dân sự và khối công an, quân đội), của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số bộ ngành khác đưa vào quy chế tuyển sinh để thống nhất thực hiện.

Các trường ĐH khối dân sự cũng mong muốn có quy định này để không phải trừ thí sinh ảo, yên tâm thực hiện đúng chỉ tiêu tuyển sinh” – bà Phụng nhấn mạnh.

Theo TTO