Tại sao phải xem xét lại gần 12.000 bài thi của thí sinh Thanh Hoá?

0
1190

Trong quá trình chấm thi THPT quốc gia 2019, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi có vấn đề.

Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chấm các bài thi trắc nghiệm cho thí sinh ở tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, nhà trường đã thực hiện xong phần chấm bài thi, sẵn sàng bàn giao kết quả cho Sở GD-ĐT Thanh Hóa và chuyển kết quả về Bộ GD-ĐT.

Thanh Hóa có khoảng 35.000 thí sinh với 102.925 bài thi trắc nghiệm gồm: Toán, Ngoại ngữ, các môn thi của tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.

Trong quá trình chấm thi, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi như: tô mờ, tô đúp… Số lượng bài thi này là 11.900 bài (chiếm tỷ lệ 11,56%).

Ban chấm thi trắc nghiệm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã kiểm tất cả các bài thi này và sửa hơn 1.500 lỗi tô mờ, tô đúp. Công việc này mất một ngày rưỡi.

Tổng số các lỗi bắt buộc phải sửa như: sai số báo danh, sai/trùng mã đề thi, không nhận dạng được bài thi (trong đó chủ yếu là số báo danh và mã đề thi) là 649 (chiếm khoảng 0,63%- đây là tỷ lệ nhỏ và thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước các năm trước là gần 1%) trong tổng số 102.000 bài thi của thí sinh Thanh Hóa. Những lỗi này bắt buộc phải sửa, nếu không sửa phần mềm sẽ không chấm được.

Sau khi quét 102.925 bài thi, sẽ không nhìn thấy gì bởi phần mềm chấm thi đã mã hóa luôn trong quá trình quét và không cho file ảnh. Sau đó, phần mềm sẽ soát xem có thiếu bài hay trùng bài thi cho một số báo danh không. Về nguyên tắc, mỗi phòng có 24 bài thi và có 24 mã đề và 24 số báo danh. Thí sinh ghi nhầm mã đề hoặc số báo danh thì máy sẽ báo lỗi. 2 lỗi này buộc phải sửa bởi nếu không, giả sử sai số báo danh thì có thể điểm của thí sinh này lại gán cho thí sinh khác. Tương tự, nếu không đúng mã đề thì máy sẽ chấm theo mã đề khác như vậy quyền lợi của thí sinh sẽ bị thiệt”, ông Tớp giải thích.

Trong bản hướng dẫn chấm thi trắc nghiệm, có công việc kiểm sửa lỗi bài làm. Khi xử lý ảnh bài làm của thí sinh cần kiểm tra có đúng không, hay thí sinh bỏ sót hoặc tô đúp câu trả lời mà phần mềm không nhận dạng được. Phần này gọi là kiểm sửa lỗi bài làm.

Có những thí sinh thay đổi đáp án, tẩy đáp án cũ không hết hoặc tẩy xong vẫn còn mờ thì phần mềm cũng nhận ra và cảnh báo là phải mở bài thi ra xem có việc một đáp án tô đậm và 1 đáp án có sự tẩy đi nhưng vẫn để lại dấu vết. Phần mềm năm nay được thiết kế khi mở ra phần bài làm của thí sinh thì thông tin về thí sinh bị che đi. Còn khi sửa phần số báo danh hoặc mã đề thi phần bài làm lại bị che đi. Giống như việc rọc phách. Do đó chỉ nhìn thấy và sửa những phần thực sự có lỗi. Nếu không sửa thì câu hỏi đó bị coi là chọn 2 phương án và thí sinh sẽ bị mất điểm. Tức là những trường hợp phần mềm cho phép sửa còn trường hợp thí sinh tô 2 đáp án thật thì không thể sửa được trên phần mềm. Những câu phần mềm gạch khuyến cáo sửa thì mới có thể sửa còn những câu khác thì không thể sửa được- đó cũng là đặc biệt của phần mềm chấm thi năm nay”.

Ngoài ra, khi gần hết giờ làm bài, thí sinh có thể không biết nhưng vẫn tô bừa. Tuy nhiên, trong quá trình tô phương án, có khả năng thí sinh tô nhưng tô mờ làm phần mềm hiểu câu hỏi đó không có chọn câu trả lời. Do đó những câu bỏ trống không tô đáp án, phần mềm cũng khuyến cáo nên mở bài đó ra để xem.

“Nếu mở ra nhìn rõ thấy các em không tô thì chịu nhưng nếu các em có tô nhưng mờ mà máy không nhìn thấy thì phần mềm vẫn cho phép sửa cho thí sinh”. Các ô nếu thí sinh đã bỏ trống cả 4 phương án được phần mềm khoanh cả 4 phương án. Các ô mà phần mềm cho rằng thí sinh đã tô đúp sẽ được gạch chân cả 4 phương án. Ví dụ khi thí sinh chọn lại câu trả lời nhưng phương án trả lời trước lại tẩy chưa kỹ, phần mềm nhận dạng sẽ bắt lỗi tô đúp. Những lỗi như vậy rất nhiều, nhất là của các bài thi Tổ hợp, khi một thí sinh chỉ thi một môn.

“Thực ra, đây là những chỗ mà phần mềm khuyến cáo nếu xem lại được thì đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Nhưng những câu thí sinh chỉ chọn một đáp án thì đương nhiên không thể sửa được trên đó và chỉ xem xét được những câu mà hệ thống báo lỗi”, ông Tớp nói. Tất cả những việc sửa sẽ được lưu lại dấu vết và truy thông tin đến tận máy người sửa.