Bộ GD-ĐT nêu rõ quy định nếu thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp nhưng chỉ thi một bài thì sẽ coi là bỏ môn thi và sẽ không được xét tốt nghiệp.
Công bố này đã khiến thí sinh tỏ ra thận trọng hơn hẳn với việc đăng ký dự thi 2 môn.
Một HS Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết: “Em định đăng ký cả hai bài rồi đến lúc đi thi nếu ‘đủ sức’ thì thi cả hai, còn không thì thôi. Thế nhưng giờ thì phải cân nhắc kỹ trước khi đăng ký”.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho hay không có HS nào của trường có ý định đăng ký cả hai bài thi tổ hợp. Nhà trường cũng không khuyến khích điều này vì không muốn HS bị phân tán thời gian, sức khỏe.
Bà Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng Trường THPT Thực nghiệm, lại cho rằng không ít HS của trường vẫn có ý định sẽ chọn cả hai bài thi tổ hợp để tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH. Cũng theo bà Luyến, qua việc tổ chức ôn tập cho HS thì thấy dù chọn bài thi khoa học xã hội nhưng nhiều HS chỉ đăng ký ôn tập môn lịch sử và địa lý, còn môn giáo dục công dân sẽ tự ôn.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho rằng Bộ còn quy định thí sinh đã đăng ký dự thi bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó; nếu không dự thi sẽ được coi là bỏ bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp.
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết kinh nghiệm cho thấy từ tuần thứ hai HS mới bắt đầu đăng ký dự thi.
Ông Chất lưu ý, theo quy định, sau ngày 20.4 thí sinh không được thay đổi cụm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký. Do đó, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ và điền chính xác khi khai phiếu đăng ký dự thi, nhất là ở mục đăng ký bài thi/môn thi, tránh nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi dự thi của mình. Thời gian còn khá dài, đủ để thí sinh cân nhắc, lựa chọn và quyết định nguyện vọng đăng ký dự thi phù hợp.
TNO