Thay đổi nguyện vọng: “Thí sinh nên đăng ký thêm những ngành na ná nhau để tăng tỷ lệ đỗ”

0
1034

Để có cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích cao nhất, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khuyên thí sinh nên đăng ký thêm những ngành “na ná giống nhau” có mức điểm thấp hơn để dự phòng.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 19/9, thí sinh tham gia xét tuyển cao đẳng, đại học trên cả nước chính thức điều chỉnh nguyện vọng.

Tư vấn cách điều chỉnh nguyện vọng để tăng khả năng trúng tuyển, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Đợt xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay đầy rủi ro và tiềm ẩn nguy cơ, khi điểm thi của thí sinh rất cao. Nguyên nhân do nhiều em đạt điểm cao thường có tâm lý chủ quan với điểm số của mình, có xu hướng đăng ký vào những trường top trên và thường chọn rất ít nguyện vọng. Nếu năm nay, các em làm như vậy, sẽ rất khó lường vì điểm cao chung”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

Thay đổi nguyện vọng: Thí sinh nên đăng ký thêm những ngành na ná nhau để tăng tỷ lệ đỗ  - Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM. (Ảnh: KT)

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, chỉ tiêu tuyển sinh của một trường ĐH phụ thuộc vào những yếu tố như số lượng giáo sư, phó giáo sư, giảng viên… Chỉ tiêu được giao là con số cố định mỗi năm. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số các trường đều dành chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ và nhiều phương thức xét tuyển khác. Khi dùng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, thì chỉ tiêu dành cho xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ ít đi, điều này đồng nghĩa với việc điểm chuẩn sẽ cao hơn.

“Rất may mới ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đến nay chỉ có 20% thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét học bạ xác nhận nhập học. Như vậy, số chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng, tương đương với chỉ tiêu năm 2019, nên các em đăng ký xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có thêm cơ hội”, thầy Dũng thông tin.

Đăng ký theo nguyên tắc ngành khó ở trên ngành dễ ở dưới

PGS.TS Đỗ Văn Dũng lưu ý, để tăng khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng đúng mong muốn, thí sinh cần cân nhắc rất kỹ, và hiểu nguyên tắc xét tuyển của Bộ GD-ĐT.

“Thuật toán của phần mềm tính điểm chuẩn cho phép 1 thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 ngành của 1 trường duy nhất. Nếu các em trượt nguyện vọng 1, thì nguyện vọng 2 sẽ tự động trở thành nguyện vọng 1. Đây gọi là thuật toán lọt sàng xuống nia. Năm ngoái đã có trường hợp thí sinh ở Bình Định sau khi trường công bố điểm chuẩn có gọi điện về trường thắc mắc tại sao đủ điểm đỗ nhưng lại không nhận được giấy báo trúng tuyển. Nguyên nhân do em này chọn 1 ngành khác dễ hơn, điểm trúng tuyển thấp hơn ở trên, và đăng ký nguyện vọng vào Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ở dưới, nên dù đủ điểm, em cũng không được xét tuyển vào trường do đã đỗ ở trường khác. Các em cần nhớ nguyên tắc, những nguyện vọng thích hơn và khó hơn sẽ đặt ở trên, những nguyện vọng dễ hơn để ở dưới”, thầy Dũng nhấn mạnh.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho biết, do điểm thi năm nay rất cao, dự đoán những trường top trên sẽ có điểm chuẩn rất cao. Điều này ảnh hưởng đến dòng chảy thí sinh giữa các trường.

Sau thời gian thí sinh thay đổi nguyện vọng, các trường sẽ chạy dữ liệu để tính điểm chuẩn. Hệ thống chạy trong 2 ngày liên tục, mỗi ngày chạy 5 lần.

Ví dụ, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành cơ điện tử tại ĐH Bách khoa TP.HCM quá nhiều, vượt xa chỉ tiêu, trường sẽ phải nâng điểm chuẩn, như vậy những em có mức điểm thấp hơn điểm chuẩn sẽ ùa vào nguyện vọng 2 đăng ký ở các trường khác như ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Khi số lượng thí sinh vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tăng cao, lúc này trường cũng sẽ buộc phải tăng điểm chuẩn.

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, để chắc chắn, ngoài những ngành chính yêu thích, thí sinh nên tìm hiểu và đăng ký thêm những ngành tương đồng, gần với ngành đó và có mức điểm thấp hơn để dự phòng.

“Các em yêu thích ngành kỹ thuật ô tô có thể đăng ký thêm nguyện vọng vào ngành gần với ngành này như chế tạo máy và cơ khí. Vì 75% công việc của 1 nhà máy chế tạo ô tô hiện nay do những người làm chế tạo máy và cơ khí thực hiện. Các em không nên nghĩ học ô tô sẽ ra làm ô tô. Hay tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ngành Kỹ thuật nhiệt, có điểm thấp hơn ngành ô tô tới 3 điểm, nhưng trong 2 năm đầu tiên, các em đều học chung với các em thuộc chuyên ngành ô tô.

Những em có nguyện vọng học CNTT, có thể đăng ký ngành CNTT của các trường ở những nguyện vọng đầu. Sau đó các em lót sàn bằng những ngành na ná nhưng có điểm thấp hơn. Thương mại điện tử cũng là một gợi ý, đây là ngành lai giữa CNTT và marketing. Các em vẫn được học về lập trình web, an ninh mạng… khi theo học ngành này.

Các em có nguyện vọng vào cơ khí, chế tạo máy, có thể đăng ký dự phòng những ngành tương đồng, điểm thấp hơn như kỹ nghệ gỗ, bởi chương trình học tương đồng, không khác nhau nhiều, nhưng điểm lại thấp hơn”, thầy Dũng lấy ví dụ.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng khuyên thí sinh không nên đăng ký quá ít nguyện vọng: “Năm nay, thầy khuyên các em nên đăng ký hơn 10 nguyện vọng mới đảm bảo chắc đỗ”.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển cao đẳng, đại học theo phương thức trực tuyến từ 8h ngày 19/9 đến 17h ngày 25/9.

Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển bằng phiếu điều chỉnh xét tuyển nguyện vọng từ 8h ngày 19/9 đến 17h ngày 27/9.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, phương thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến chỉ áp dụng cho thí sinh không tăng thêm số nguyện vọng đăng ký xét tuyển và không điều chỉnh ưu tiên khu vực hoặc ưu tiên đối tượng (Nếu thí sinh có điều chỉnh ưu tiên khu vực hoặc ưu tiên đối tượng phải đến điểm tiếp nhận hồ sơ để điều chỉnh qua phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển).

Thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng so với đăng ký ban đầu hoặc có điều chỉnh ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải điều chỉnh bằng phiếu và thực hiện tại điểm tiếp nhận.

Theo VOV.VN