Thêm nhiều ý kiến đề nghị lùi hoặc hủy kỳ thi tốt nghiệp THPT

0
1021

 Các địa phương đang căng mình chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra từ ngày 8 đến 10/8 trong bối cảnh dịch COVID-19 quay lại. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên hủy bỏ hoặc lùi thời gian tổ chức thi để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2019 tại Hà Nội. Ảnh: như ý

Như Tiền Phong đã thông tin, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 31/7, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã xin dừng tổ chức kỳ thi tại địa phương, xét tốt nghiệp cho học sinh. Nguyên nhân do trên địa bàn số ca nhiễm tăng nhanh, đã có giáo viên, học sinh nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gần với người bệnh. Tâm lý phụ huynh, thí sinh cũng như xã hội rất lo lắng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng có ý kiến tương tự. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi nhận văn bản đề xuất chính thức của các địa phương sẽ trình xin ý kiến Chính phủ và sớm có câu trả lời.

Tuy nhiên, trên các diễn đàn mạng, đã có nhiều ý kiến về việc này. Trong đó, có người nói, các địa phương đã chuẩn bị lâu nay, thí sinh vẫn muốn tổ chức thi để có căn cứ xét tuyển ĐH. Cũng có ý kiến hoan nghênh đề xuất dừng kỳ thi ở một số địa phương. Cũng có nhiều giáo viên THPT cho rằng, các địa phương muốn dừng thi không chỉ căn cứ tình hình dịch bệnh mà còn cần hỏi ý kiến học sinh, phụ huynh.

Anh Trần Văn Quân, một phụ huynh tại Hà Nội cho rằng, chưa thể đánh giá được hết diễn biến của dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh cược sức khỏe của hàng trăm nghìn thí sinh. Nếu dừng kỳ thi, xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh sẽ giải tỏa áp lực cho phụ huynh, xã hội, đỡ tốn kém ngân sách. Việc xét tuyển, để các trường ĐH, học viện tự giải quyết.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) phân tích: Kỳ thi tốt nghiệp chủ yếu để xét tốt nghiệp, lâu nay tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của thí sinh lên gần 100% do đó thi hay không, không quá quan trọng. Duy chỉ có mục tiêu xét tuyển vào các trường ĐH, Bộ GD&ĐT nên có giải pháp tình thế để các trường vẫn có thể tuyển sinh. “Giải pháp này tuy có khó khăn, thiệt thòi một chút cho cả thí sinh và các trường ĐH, học viện nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay nên hủy thi thay vì “cố đấm ăn xôi” rồi chẳng may lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Giải pháp phòng chống dịch ở các địa phương như hiện nay mới chỉ là tăng thêm phòng thi dự phòng để có trường hợp ốm, sốt cho ra thi riêng hay đeo khẩu trang là chưa đủ. Đặc biệt, như Đà Nẵng hiện đang thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu người dân ở trong nhà nhưng thí sinh lại đến trường tập trung thi cử là mâu thuẫn giữa quy định và thực tế. “Thầy cô làm thi, coi thi ở phòng có thí sinh F1 với bộ đồ bảo hộ cũng khó có thể yên tâm để làm hết nhiệm vụ”, ông Bình nói.

Cân nhắc kỹ phương án đảm bảo an toàn

Ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, dù địa phương này chưa có ca mắc nhưng sẽ cho phun khử khuẩn 31 điểm thi, sát trùng bàn ghế, kê bàn ghế đảm bảo khoảng cách 1.2m. Các trường THPT phải rà soát, nắm bắt sức khoẻ thí sinh, thầy cô và có các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh trước kỳ thi. Cha mẹ học sinh được yêu cầu theo dõi sức khoẻ thí sinh, đo nhiệt độ hằng ngày, nếu phát hiện bất thường phải thông báo sớm. Tuy nhiên ông Quỳnh cũng lo lắng khi tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh rình rập.

PGS. TS Bùi Trọng Rỹ, Phó chủ tịch T.Ư Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam nhìn nhận, chỉ nên huỷ kỳ thi khi không có giải pháp đảm bảo an toàn cho thí sinh và người tổ chức thi. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp phân loại thí sinh, trong đó thí sinh bị bệnh miễn thi; các thí sinh F1; đã được cách ly, tổ chức thi riêng… nhằm đảm bảo an toàn cho các thí sinh khác thì vẫn nên tổ chức kỳ thi. Vì nếu không thi tuyển, việc xét tuyển vào ĐH rất khó khăn, các trường căn cứ vào điểm học bạ để xét tuyển không khách quan, chính xác. Tuy nhiên, ông Rỹ cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tính toán hết các giải pháp đểt đảm bảo sức khỏe cho thí sinh cũng như những người tham gia tổ chức kỳ thi năm nay.

Theo Báo Tiền Phong