Thi cử không ổn định tạo điều kiện phát sinh gian lận

0
1223

Việc giao vai trò chủ trì kỳ thi THPT quốc gia cho địa phương rất có vấn đề, đã được nhiều trường ĐH cảnh báo trước. Chỉ riêng khâu coi thi đã cho thấy sự buông lỏng của nhiều địa phương, tạo điều kiện cho nhiều tiêu cực ở các khâu khác như chấm thi sau đó.

Cải tiến nảy sinh bất cập

Từ năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia đảm nhận 2 mục tiêu vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT (thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ hàng chục năm trước đó) và làm cơ sở để các trường ĐH xét tuyển (thay cho kỳ thi tuyển sinh “ba chung” tồn tại từ 2002 – 2014).

Tuy thống nhất thành một kỳ thi nhưng về cốt lõi thì kỳ thi gồm 3 khâu liên quan mật thiết với nhau để đáp ứng cả 2 mục tiêu nêu trên, đó là: tổ chức thi; đề thi và chấm thi; xét tuyển. Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH được xem là kỳ thi ít có thay đổi nhất so với các năm trước đó, nhưng vẫn có những biến động gây bão trong xã hội.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại từ năm 2015 sẽ thấy kỳ thi không ổn định trong tất cả các khâu, đặc biệt là khâu tổ chức thi, dù Bộ GD-ĐT rất nỗ lực cải tiến, nhưng chính những cải tiến đó lại nảy sinh những bất cập khác cho kỳ thi và xét tuyển.
Năm đầu tiên 2015 có 2 loại cụm thi là tỉnh và liên tỉnh. Cụm thi liên tỉnh dành cho các thí sinh (TS) thi để xét tuyển vào các trường ĐH, do một số trường ĐH chủ trì. Cả nước chỉ có 38 cụm thi liên tỉnh ở 23 tỉnh, thành phố; nghĩa là TS ở một số địa phương phải đến tỉnh, thành phố khác để dự thi. Các TS thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ thi ở cụm thi tỉnh được tổ chức tại địa phương. Năm 2015 có 61 cụm thi tỉnh. Có 3 địa phương không tổ chức cụm thi tỉnh (TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương) nhưng chỉ có TS Bình Dương phải di chuyển về TP.HCM để dự thi.
Năm 2016 cũng có 2 loại cụm thi, nhưng được gọi là cụm thi ĐH (do các trường ĐH chủ trì, Sở GD-ĐT phối hợp) và cụm thi tốt nghiệp (do các sở GD-ĐT chủ trì). Cả nước có 70 cụm thi ĐH, mỗi tỉnh thành phố đều có cụm thi ĐH, những thành phố đông học sinh có nhiều cụm thi ĐH. Chỉ có 50 cụm thi tốt nghiệp vì có đến 14 tỉnh, thành phố không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà giao hẳn cho các trường ĐH chủ trì chung cụm thi.
Theo xu thế này, những tưởng vai trò tổ chức thi của các trường ĐH sẽ được tiếp tục tăng lên, nhưng không ngờ năm 2017 việc tổ chức thi lại được giao hoàn toàn cho các sở GD-ĐT địa phương, các trường ĐH đóng vai trò phối hợp, thực chất là tham gia chỉ coi thi và giám sát.

Bùng phát tiêu cực

Cũng từ đó, khi kỳ thi giao hoàn toàn về cho địa phương, chỉ riêng số lượng TS bị kỷ luật giảm rõ rệt!
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 (kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng trước khi chuyển sang kỳ thi THPT quốc gia), cả nước có hơn 900.000 học sinh đăng ký dự thi, trong đó hệ giáo dục phổ thông có hơn 800.000 TS; hệ giáo dục thường xuyên có hơn 80.000 TS. nhưng cả nước chỉ có 11 TS vi phạm quy chế do mang điện thoại vào phòng thi (10 học sinh hệ giáo dục thường xuyên và 1 học sinh hệ THPT).
Ở kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên năm 2015 với xấp xỉ 1 triệu TS, điều đáng kinh ngạc là số lượng vi phạm kỷ luật phòng thi từ khiển trách, cảnh cáo đến đình chỉ thi lại tăng gấp gần 70 lần so với kỳ thi tốt nghiệp 2014 (760 vụ năm 2015 so với 11 vụ năm 2014). Hầu hết các vụ vi phạm kỷ luật phòng thi đều xảy ra trong các buổi thi môn tự luận như những năm trước, nhưng điều đáng nói là phần lớn những trường hợp vi phạm kỷ luật phòng thi đều chỉ được phát hiện và xử lý tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Hơn nữa, theo thông tin từ các cụm thi tại TP.HCM, số trường hợp kỷ luật này thường tập trung ở một vài điểm thi trong cụm thi chứ không phải đều khắp các cụm thi.
Năm 2016, các cụm thi chủ yếu vẫn do các trường ĐH chủ trì, số trường hợp bị kỷ luật phòng thi tuy giảm còn 320 nhưng vẫn ở mức cao so với các kỳ thi trước 2015.
Tuy nhiên, từ năm 2017 khi giao vai trò chủ trì cụm thi cho các sở GD-ĐT, số trường hợp bị kỷ luật phòng thi giảm mạnh, chỉ còn 72 vụ năm 2017 và 77 vụ năm 2018.
Rõ ràng việc giao vai trò chủ trì cho địa phương rất có vấn đề, đã được nhiều trường ĐH cảnh báo trước. Chỉ riêng trong khâu coi thi đã cho thấy sự buông lỏng của nhiều địa phương, tạo điều kiện cho nhiều tiêu cực ở các khâu khác như chấm thi sau đó. Đó là chưa kể cách tổ chức các điểm thi tại các cụm thi địa phương và cách xếp số báo danh đã để cho nhiều học sinh học cùng lớp vào thi cùng phòng khiến kỳ thi này chỉ là cuộc dạo chơi của nhiều học sinh.

Kỳ thi THPT quốc gia phải “cõng” 2 mục tiêu khác nhau để đáp ứng cho 2 đối tác khác nhau là một bài toán khó cho Bộ. Một bên là các sở GD-ĐT với vai trò chủ trì kỳ thi nhưng chỉ chiếm khoảng 25% tổng số TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp; một bên là các trường ĐH với khoảng 75% TS tham dự thi để xét tuyển nhưng chỉ đóng vai trò phối hợp. Liệu các bên có thể “song hành” đến khi nào với cách thức tổ chức thi trong kỳ thi hiện nay?