“Việc gian lận thời nào cũng có. Tổ chức thi trên máy tính nếu làm không nghiêm túc còn dễ xảy ra tiêu cực hơn so với thi trên giấy. Cho nên, những người tổ chức kỳ thi phải lường trước được tất cả những điều đó”.
Phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia hướng tới việc thi trên máy tính, thi nhiều đợt trong năm được đánh giá là hướng đi đang tiệm cận với xu hướng kiểm tra, đánh giá trên thế giới. Thế nhưng các chuyên gia cũng kiến nghị Bộ cần thận trọng tính toán từng bước và phải lường trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Nỗi lo “can thiệp hàng loạt”
TS Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho rằng, việc tổ chức kỳ thi trên máy tính rất tiện lợi bởi có thể đưa việc thi cử tới tận “trường huyện”. Thí sinh cũng không cần phải di chuyển nhiều, đỡ tốn kém và tạo sự tin tưởng trong xã hội vì được thi ngay tại địa phương.
Phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia hướng tới việc thi trên máy tính, thi nhiều đợt trong năm mà Bộ GD-ĐT vừa trình lên Thủ tướng được nhiều chuyên gia đồng tình và cho đây là một sự thay đổi tích cực.
Mặc dù đánh giá hướng đi này khá mềm dẻo và phù hợp với thời cuộc, nhưng ông cũng chỉ ra nhiều nỗi lo khi hình thức này được áp dụng đồng loạt trên cả nước.
Trong đó, việc quan trọng nhất là chuẩn bị cho công tác bảo mật và chống gian lận khi cho học sinh thi trên máy tính.
“Nhiều người cho rằng việc thi trên máy tính để giảm bớt gian lận, nhưng tôi thấy lo lắng hơn vì công nghệ hiện nay rất tinh vi và dễ dàng xóa bỏ dấu vết; chưa kể còn nhiều tình huống thi hộ, làm hộ nên rất khó kiểm soát”.
Do đó, dù thi bằng hình thức nào, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. “Kể cả có thi trên máy tính vẫn phải gắn chặt với việc coi trọng yếu tố con người, lựa chọn nhân sự làm công tác khảo thí”.
“Nhìn vào các kỳ thi sát hạch bằng lái ô tô cũng có thể thấy, rủi ro tiêu cực trong việc thi trên máy tính hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, khi áp dụng phương án mới này cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt”.
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, từ kinh nghiệm của những vụ gian lận vừa qua cho thấy, việc thi trên máy tính có nhiều ưu điểm. Nhưng có một điều theo ông cần cân nhắc, là liệu người “cầm trịch” giữ chìa khóa phần mềm có thể can thiệp vào cả hệ thống và làm thay đổi kết quả thi hay không?
“Nếu như trên giấy chỉ có thể sửa chữa kết quả với từng cá nhân thì thì trên máy có thể can thiệp hàng loạt”, GS Đức đặt ra băn khoăn.
Lo lắng chất lượng đề thi không đồng đều
Từng có cơ hội tham gia nghiên cứu tại các trung tâm khảo thí Hoa Kỳ, GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, một vấn đề cần đặt ra khi tổ chức thi thành nhiều đợt giống như nước ngoài là phải áp dụng kỹ thuật để so bằng độ khó trong các lần thi.
“Làm kỹ thuật so bằng độ khó là yêu cầu bắt buộc khi áp dụng hình thức thi nhiều lần trong năm, bởi nếu không dùng kỹ thuật này thì dù có cố gắng làm đề chuẩn đến mấy, mỗi lần vẫn có một độ khó khác nhau và điều đó tạo ra sự không công bằng”.
Ngoài ra, theo ông khi áp dụng hình thức mới này, cần phải có phòng thi chuẩn hóa, tức mọi người phải được tiếp cận với điều kiện thi giống hệt nhau.
“Tuy nhiên muốn chuyển từ “thi trên giấy” sang “thi trên máy tính” vẫn cần chạy thử nghiệm và đánh giá. Cho nên cần đưa vào các thành phố lớn áp dụng trước, các địa phương có thể thi trên giấy và tiến hành song song, từng bước đưa vào và rút kinh nghiệm để triển khai”.
TS Lê Thống Nhất cho rằng “tư nhân có lượng ngân hàng rất lớn. Chúng ta có thể thu mua từ các hệ thống giáo dục. Các nước như Mỹ hay Anh, chuyện kiểm tra đánh giá đã có sự tham gia của tư nhân. Còn nếu chỉ để Bộ GD-ĐT làm thì tôi nghĩ đến năm 2021 cũng chưa chắc đã làm được”.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Sơn, Hiệu phó Trường THPT Chuyên ĐH Vinh nhìn nhận việc thu mua đề từ tư nhân chưa thực sự đảm bảo cả về chất lượng lẫn việc ngăn chặn tình trạng tiêu cực.
“Cho nên tôi nghĩ, việc xây dựng ngân hàng đề thi phải cần đến đội ngũ chuyên gia được tập huấn kỹ thuật xây dựng câu hỏi trắc nghiệm đạt chuẩn. Những đội ngũ chuyên gia này phải được lựa chọn từ các trường đại học, trường phổ thông trên cả nước”, ông Sơn nói.
“Nhiều đợt, nhưng không nên nhiều quá”
Ông Sơn cho rằng, việc tổ chức thi thành nhiều đợt là cơ hội tốt giúp thí sinh cảm thấy “phù hợp đợt nào thì thi đợt đó”, nhưng không nên tổ chức thành quá nhiều đợt.
“Theo tôi chỉ nên thi 2 đợt/ năm là đủ, bởi học sinh tham gia kỳ thi nào thì nhà trường và giáo viên cũng phải có kế hoạch để chuẩn bị cho các em. Do vậy, việc thi nhiều đợt sẽ khiến các hoạt động dạy và học trong nhà trường bị phân tán.
Điều quan trọng nhất sau mỗi kỳ thi là học sinh phải rút ra được chiến lược học tập. Do đó, chỉ nên thi 2 đợt để học sinh có quỹ thời gian nhất định ôn luyện cải thiện thành tích”.
Ông Sơn cũng cho rằng, hai đợt thi này chỉ nên nằm vào cuối học kỳ 2 của mỗi năm học. “Nếu thi quá sớm học sinh sẽ chưa chuẩn bị đủ kiến thức. Ngoài ra, các em lại quá chạy đua với việc luyện thi sẽ làm xao nhãng các hoạt động giáo dục khác”.
Thầy Trần Văn Nam, giáo viên Trường THPT Quảng Xương 1, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc thi nhiều lần giúp học sinh bớt đi tâm lý căng thẳng rằng mình chỉ có một cơ hội duy nhất.
Tuy nhiên, một năm cũng chỉ nên thi 2-3 đợt để có điều kiện giám sát chặt chẽ, tránh những vấn đề tiêu cực. Mặt khác, nếu để kỳ thi diễn ra quá nhiều trong năm sẽ khiến học sinh ỉ lại vì suy nghĩ “không thi lúc này thì thi lúc khác”, do đó việc học hành cũng không thực sự nghiêm túc.
Tiếp cận phương án được trình bày khái quát, một nghiên cứu sinh về khảo thí quốc tế băn khoăn: Chưa rõ điểm thang đo, cân bằng điểm thi, không đưa được các tiểu mục về cùng một thang đo, không đảm bảo được điểm thi sẽ không phụ thuộc vào dạng thức thi….thì những thay đổi này cần phải xem xét thấu đáo.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn thiện đề xuất phương án thi sau 2020. Phương án này được tính toán cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, có căn cứ chắc chắn và lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. “Năng lực tổ chức thi của các cán bộ là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm và tới đây sẽ tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí”, ông Nhạ cho hay.