Thí sinh 30 điểm vẫn trượt ĐH: Đừng áp dụng những quy định cứng nhắc

0
1705

“Chúng ta đừng áp dụng những quy định cứng nhắc. Nếu tôi là hiệu trưởng, tôi rất vui sướng khi có thể đưa tất cả thí sinh điểm cao vào trường. Giải pháp giải quyết riêng được cho bài toán tuyển sinh năm 2017”, TS Lê Trường Tùng cho hay.

Những ngày qua, dư luận không khỏi nóng lên vì câu chuyện đạt 29 hay 30 điểm mà thí sinh như “chết đứng” vì vẫn trượt ĐH. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thí sinh đạt điểm tuyệt đối mà vẫn trượt ĐH là câu chuyện vô lý trong tuyển sinh.

Việc nhiều trường đưa ra mức điểm trúng tuyển là 30,25 hay 30,5 điểm đã khiến cho những thí sinh thực sự giỏi nhưng không được điểm ưu tiên mất đi cơ hội vào các trường top cao mà các em hằng mong muốn.

Có lẽ, chúng ta cũng không lạ lẫm gì với câu chuyện của nam sinh N.P.H ((Thạch Thất, Hà Nội)  đạt 29,25 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội vì chỉ thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ. Trong khi những thí sinh đạt 25,75 điểm được thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ ĐH.

Rồi trường hợp của em V.H.H (trú tại TP.HCM) đạt được số điểm khá cao: Toán 9,6 ; Hóa 9,75 ; Sinh 10; Tiếng Anh 8,8. Với số điểm này em rất tự tin đăng ký nguyện vọng ưu tiên số 1 là vào ngành Y đa khoa – ĐH Y Dược TP.HCM. Các nguyện vọng tiếp theo là Y Đa khoa – ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Y Đa khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH Y Dược Cần Thơ.”

Với số điểm trên thì điểm xét tuyển cho khối B của em là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không được điểm ưu tiên). Như vậy, theo quy tắc làm tròn, điểm nam sinh V.H.H giảm xuống còn 29,25 điểm.

Điều xót xa là NV1 ngành Y Đa khoa – ĐH Y Dược TP.HCM lấy đúng 29,25 điểm nhưng lại xét tiêu chí phụ: tiêu chí đầu tiên, Tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên (nam sinh V.H.H chỉ được 8,8 điểm Tiếng Anh) và đương nhiên nam sinh này không có tên trong danh sách trúng tuyển của Y đa khoa – ĐH Y Dược TP.HCM”. Rồi nhiều em 30 điểm mà vẫn trượt ở khối ngành công an, quân sự.

Rất nhiều người cho rằng, câu chuyện cộng quá nhiều điểm ưu tiên dẫn đến tình trạng nhiều học sinh điểm vô cùng cao nhưng vẫn trượt tạo nên sự bất công bằng. Liên quan đến vấn đề này,TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐTT Đại học FPT cho hay: “ Về nguyên tắc xét tuyển, điểm chuẩn cao nhất cũng chỉ là 30 điểm.

Trường hợp có những trường lấy điểm chuẩn là 30,25 hay 30,5 sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt đại học. Điều này là vô lý. Tức là những em ở thành phố, không có điểm ưu tiên khu vực dù có giỏi tới mấy, có đạy điểm tuyệt đối cũng không thể vào các trường hot mà lấy trên 30 điểm.

Thí sinh 30 điểm vẫn trượt ĐH: Đừng áp dụng những quy định cứng nhắc - 1

TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐTT Đại học FPT

Theo thống kê, năm nay trong số 860.000 thí sinh dự thi chỉ có 13 thí sinh đạt 30 điểm  ở khối A và B. Còn lại, các thí sinh đạt số điểm cao hơn 30 là do cộng điểm ưu tiên theo khu vực, điểm ưu tiên dao động từ 0,5 đến 2,5 điểm.Tuy nhiên, điều đáng nói là theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT điểm ưu tiên là điểm để cộng thêm khi xét tuyển.

Tức là khi điểm chuẩn vào một trường chỉ tối đa ở mức 30. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng những thí sinh ở mức dưới 30 điểm nhưng được cộng điểm ưu tiên nên sẽ bằng hoặc hơn 30 điểm. Một số trường lại cộng thêm điểm ưu tiên cho các thí sinh, rồi suy ra điểm chuẩn nên năm nay mới có điểm chuẩn là 30,25 và 30,5 điểm.

Vậy những thí sinh được điểm tuyệt đối 30 đương nhiên sẽ trượt, điều đó là bất công bằng. Tại sao, các trường không lấy cả những thí sinh 30 điểm (dù vượt chỉ tiêu) nhưng bù lại sang năm các trường lấy ít chỉ tiêu hơn. Chúng ta đừng áp dụng những quy định cứng nhắc.

Nếu tôi là hiệu trưởng, tôi rất vui sướng khi có thể đưa tất cả thí sinh điểm cao vào trường. Giải pháp giải quyết riêng được cho bài toán tuyển sinh năm 2017, tránh trường hợp thí sinh 30 điểm nhưng vẫn trượt đại học”.

Về câu chuyện điểm ưu tiên nhiều chuyên gia cho rằng, cộng điểm ưu tiên khu vực là việc cần duy trì nhưng không nên cộng quá nhiều. Với thời đại công nghệ thông tin, mức độ tiếp cận giáo dục ở các tỉnh thành không quá cách xa nhau. Các em có thể học trực tuyến qua Internet.Hiện nay, quy định xét điểm ưu tiên của Bộ GD&ĐT là cộng 0,5 điểm với khu vực 2, một điểm với khu vực 2 nông thôn và 1,5 điểm với khu vực một. Mức cộng điểm ưu tiên không quá 3,5 điểm.

24h