Thi THPT: Để không bị ‘mất điểm oan’ môn GDCD, thí sinh cần nhớ những điều này

0
1486

Cùng nghe cô giáo Phan Vũ Diễm Hằng – Giáo viên môn GDCD Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ bí quyết để các thi sinh khối 12 không bị mất điểm oan khi thi môn này.

Chỉ còn khoảng hơn một tuần nữa, các em thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Điểm đáng chú ý có lẽ là số lượng môn thi trắc nghiệm đã tăng lên. Ngoài môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận như mọi năm, còn lại tất cả đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Riêng trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý và GDCD) cũng đều thi trắc nghiệm. Đây cũng là năm đầu tiên đưa môn GDCD vào thi THPT quốc gia. Nhiều em thí sinh vẫn tỏ ra lo lắng với phân môn này.

Để giúp các thí sinh có những phương pháp ôn luyện hiệu quả, không bị mất điểm “oan” môn này, cô giáo Phan Vũ Diễm Hằng – Giáo viên bộ môn GDCD Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đã có những chia sẻ rất cụ thể như sau:

Chỉ còn hơn một tuần nữa các em học sinh khối 12 sẽ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

1. Lưu ý các cụm từ và các thuật ngữ quan trong của từng bài

– Bài 1: Tính quy phạm, quy phạm pháp luật, khuôn mẫu chung… – Bài 2: Thực hiện pháp luật (4 hình thức: Sử dụng pháp luật, thi hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, áp dụng pháp luật), trách nhiệm pháp lí, năng lực hành vi dân sự… – Bài 4: Quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản, giao kết hợp đồng lao động… – Bài 6: Tên các quyền: Bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về nhân phẩm, danh dự, tính mạng, sức khỏe, bất khả xâm phạm về chỗ ở… Và các bài khác cũng tương tự.

2. Câu dễ làm trước, câu khó làm sau (câu có nhân vật A, B,C là dạng câu vận dụng)

– Câu nhận biết và thông hiểu: Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong SGK là có thể dễ dàng trả lời các câu hỏi. – Câu vận dụng cần tư duy để suy xét những hành vi nào là đúng, hành vi nào sai, hành vi nào chưa phù hợp, việc làm nào cần bị lên án, cần bị tố cáo…

Ví dụ: (Câu mức độ thấp – mức độ 2) Khi bầu cử, mỗi cử tri đều có một lá phiếu với giá trị ngang nhau là thể hiện nguyên tắc bầu cử nào dưới đây?

A. Dân chủ. B. Phổ thông. C. Tự nguyện. D. Bình đẳng.

(Như vậy, về nội dung câu này học sinh cần nắm được các nguyên tắc của bầu cử và nội dung các nguyên tắc đó là gì thì sẽ trả lời được ngay, không thì sẽ phân vân các đáp án đều có ý nghĩa gần đúng).

Theo cô Diễm Hằng, để làm tốt phần lí thuyết, học sinh nên sơ đồ hóa kiến thức để có thể so sánh các phần và dễ nhớ kiến thức.

Ví dụ: Trong bài 4 – đề cập đến quyền bình đẳng trong kinh doanh, tuy nhiên nội dung bài 9 cũng đề cập đến phần này nên khi làm bài các em cũng cần lưu ý. Hay trong nội dung bài 8: Đề cập đến quyền học tập, quyền sáng tạo, quyền được phát triển. Nhưng khi đề cập đến vấn đề “học trước tuổi” lại thuộc nội dung quyền được phát triển.

Cô giáo Phan Vũ Diễm Hằng – Giáo viên bộ môn GDCD Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.

Ở câu vận dụng (mức độ 3,4): Các em cần đọc kỹ câu hỏi trong phần dẫn xem trong câu người ta hỏi gì, sau đó đọc dẫn để thấy mục đích của câu hỏi chỉ đề cập đến vấn đề gì? Điều này vô cùng quan trọng vì sẽ giúp học sinh tư duy đúng phần trả lời, tránh để phần dẫn của câu làm cho bị nhiễu.

Ví dụ: Câu 108 (đề minh họa lần 3 của Bộ GD&ĐT)

Phát hiện A đang bẻ khóa để lấy trộm xe máy, công an viên B xông vào bắt giữ rồi đưa người và tang vật về trụ sở Công an phường. Vì A kháng cự quyết liệt, anh B đã buông lời nhục mạ và đánh gãy tay A.

Trong trường hợp này, anh B không vi phạm quyền nào dưới đây của công dân? (nên tô đậm hoặc ghi chú, gạch chân những từ ngữ quan trọng)

A. Bất khả xâm phạm về tính mạng. B. Được bảo hộ về nhân phẩm. C. Được bảo hộ về sức khỏe. D. Bất khả xâm phạm về thân thể.

“Nếu học sinh đọc không kỹ sẽ bỏ qua chi tiết câu hỏi theo chiều ngược lại hoặc phủ định => Các em rất dễ nhầm lẫn các phương án trả lời và có thể bị mất điểm đáng tiếc.

Học sinh đọc không kỹ sẽ không phát hiện được đáp án, trong câu này, nhìn thì có vẻ anh B bắt người là cũng vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tuy nhiên trong trường hợp này, anh B bắt người không trái phép (xem phần: Những trường hợp được phép bắt người)”, cô Diễm Hằng phân tích .

Tương tự, các câu 111, 112, 114, 117 (trong đề minh họa lần 3 của Bộ GD&ĐT) là những dạng câu hỏi ngược so với tình huống – tức là không hỏi: Ai vi phạm? mà hỏi ai không vi phạm quyền nào? Hay vận dụng SAI quyền nào? KHÔNG thực hiện quyền nào… (như vậy, dạng câu đã khác rất nhiều so với các đề minh họa lần 1,2 trước đó. Hay các câu, 117 – người ta chỉ hỏi hành vi của người nào cần bị tố cáo.

Lưu ý: Những tình tiết gây nhiễu nhưng không liên quan đến mục đích của câu hỏi, vì hành vi hoặc tình tiết đó có thể sai, nhưng mục đích câu hỏi lại không nhắm vào điều đó.

Bên cạnh đó, cô giáo Phan Vũ Diễm Hằng cũng khuyên các em thí sinh khối 12 nên tập trung ôn luyện thật tốt, cân đối thời gian biểu giữa học và nghỉ ngơi cho hợp lý để có được một sức khỏe tốt nhất, một tinh thần thực sự thoải mái khi bước vào kỳ thi quan trọng này.