Kỳ thi THPT quốc gia 2017 mỗi thí sinh có một đề khác nhau nhưng chưa có cơ sở nào đảm bảo tuyệt đối độ khó mỗi đề thi là như nhau.
Bộ GD&ĐT sau đó đã đưa ra nhiều giải pháp về việc này như quy trình biên soạn chuẩn hóa câu hỏi, giáo viên và học sinh làm thử đề, chuẩn hóa độ khó bằng phần mềm… Tuy nhiên, chưa có giải pháp nào chứng minh tính ưu việt trong vấn đề này. Dư luận xã hội và đặc biệt là thí sinh vẫn hết sức lo lắng, bởi đề thi chính là yếu tố quyết định điểm số và tương lai của các em.
Chưa có tiêu chí nào đánh giá độ khó câu hỏi ngang nhau
“Phải cả hai thí sinh cùng làm một câu, hoặc một đề, thì mới có thể so sánh được ai hơn ai (theo mục tiêu mà người ra đề muốn so sánh). Giờ đề thi khác nhau, lại bảo nó như nhau, là rất khó.
Với môn Sử chẳng hạn, một câu hỏi về thời Lê, một câu hỏi về thời Nguyễn. Từ góc độ của người dạy học thì thấy đó là hai câu hỏi từa tựa nhau, nhưng với cùng một thí sinh gặp câu này có thể được 10, gặp câu kia có thể chỉ được 0 điểm.
Như vậy, làm sao nói được đó là hai câu có mức độ khó tương đương để đánh giá hai thí sinh khác nhau? Như vậy, không có một lý thuyết nào đưa ra được các tiêu chí để đánh giá hai câu hỏi là có cùng một độ khó như nhau. Với một tổ hợp câu thì càng phức tạp nữa”, GS Hà Huy Bằng nêu ví dụ cụ thể.
Có cần thiết mỗi thí sinh một đề thi khác nhau?
“Cứ làm đơn giản như trước kia, tức chỉ cần làm một đề thôi. Trước kia từ một đề đảo câu, đảo phương án thành 6 đề tương đương, thực chất là một đề và Bộ GD&ĐT chỉ cần công bố một đề.
Giờ họ chỉ cần đảo câu, đảo phương án thành 24 đề tương đương, và bản chất vẫn chỉ là một đề. Như vậy thí sinh sẽ yên tâm hơn, vì tất cả các em chỉ làm cùng một đề”, GS Thiếp nói.
Về vấn đề mỗi thí sinh một đề để tránh thí sinh quay cóp bài, GS cho rằng nếu công tác coi thi thực hiện đúng quy chế thì dù thí sinh có đề giống nhau cũng không quay cóp được.
“Nếu gian lận có tổ chức, có sự móc ngoặc giữa thí sinh và người coi thi, thì dẫu một phòng thi có đến 24 đề cũng chẳng để làm gì”, GS Thiệp khẳng định.