An toàn từ khâu in/sao, sắp xếp phòng thi
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo quy chế kì thi THPT quốc gia 2019 để lấy ý kiến nhân dân. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có những trao đổi với chúng tôi xung quanh mục tiêu đảm bảo an toàn, tin cậy của kì thi quan trọng này.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT). (Ảnh: Đình Tuệ). |
Thưa ông, Bộ đã tính tới những phương án như thế nào để đảm bảo an toàn cho kì thi THPT quốc gia 2019 sắp tới, tránh gian lận thi cử như một số địa phương trong năm 2018?
Ông Mai Văn Trinh: Kì thi THPT quốc gia 2019 tới đây được tổ chức về cơ bản giữ nguyên các phương thức thi như năm 2018. Tuy nhiên, Bộ sẽ có những giải pháp sao cho kì thi an toàn, nghiêm túc và khắc phục được những sai phạm đã xảy ra vừa qua.
Về việc sắp xếp phòng thi, mỗi hội đồng thi sẽ lựa chọn mốt số điểm thi dành cho các thí sinh tự do. Tại các điểm thi đó, các thí sinh lớp 12 THPT, học viên GDTX và thí sinh tự do được trộn chung theo vần ABC để sắp xếp phòng thi với sự trợ giúp của phần mềm.
Khâu in sao đề thi tiếp tục tăng cường các giải pháp để đảm bảo in sao an toàn, bảo mật, đủ số lượng chất lượng. Khu vực in sao phải đảm bảo cách ly, tổ chức thành 3 vòng độc lập, nhân sự tham gia ban in sao đề thi được lựa chọn kĩ do lãnh đạo Sở GD&ĐT làm trưởng ban.
Khâu vận chuyển đề thi/bài thi được qui định thêm về qui cách niêm phong. Qui định chặt chẽ hơn việc bảo quản bài thi/đề thi tại các điểm thi. Phải có lực lượng Công an bảo vệ và camera giám sát an ninh khu vực này 24/24h. Phải có phó trưởng điểm thi hoặc thư kí đến từ trường đại học ngủ trực ban đêm tại điểm thi.
Về việc niêm phong túi bài thi, qui cách dán nhãn niêm phong được qui định phải có chữ kí giáp lai của 2 cán bộ coi thi, có họ tên, chữ kí của Phó trưởng điểm thi đến từ trường đại học. Sau đó, dán phủ băng dính trong lên nhãn niêm phong để đảm bảo không ai tác động được vào niêm phong…
Chưa áp dụng ‘công nghệ VAR’ trong phòng thi
Lắp camera giám sát ở phòng thi được nhiều người ví như ‘Công nghệ VAR’ trong thi cử và sẽ là giải pháp tốt để chống gian lận. Tại sao Bộ GD&ĐT chưa cho áp dụng việc này trong năm 2019 thưa ông?
Ông Mai Văn Trinh: Trước hết chúng ta cần phải khẳng định một điều, vai trò của con người là vô cùng quan trọng. Trách nhiệm của cán bộ coi thi cũng cần được đặt lên hàng đầu. Trong phòng thi chỉ có 24 thí sinh, mỗi cán bộ giám thị chỉ quan sát 12 em nên sẽ không quá khó khăn để phát hiện biểu hiện của thí sinh có ý định gian lận.
Bên cạnh đó, việc lắp camera trong phòng thi sẽ ít nhiều tác động đến tâm lý của thí sinh khi làm bài. Nếu các địa phương cùng lắp thì chi phí mua sắm cũng như quản lí số lượng, chất lượng của các camera này cũng là một bài toán được đặt ra.
Nếu thế thế Bộ sẽ chỉ có thể đưa ra các yêu cầu về thời gian lưu trữ, chất lượng phân giải, khi mất điện thì có nguồn phụ hay không… chứ không thể áp đặt địa phương phải mua loại này, loại kia được.
Cho nên, việc lắp camera cần phải cân nhắc kĩ và trong kì thi THPT quốc gia 2019, Bộ chưa thực hiện lắp camera khi việc thi cử vẫn đang được thực hiện ở trên giấy.
Để hạn chế tiêu cực ở khâu chấm thi, Bộ sẽ ưu tiên đổi mới ở những điểm nào?
Ông Mai Văn Trinh: Ngoài việc chấm kiểm tra 5% bài thi ngẫu nhiên như các năm trước, trong năm 2019, những bài thi tự luận (Ngữ văn) đạt điểm cao sẽ được chấm kiểm tra sau khi đã chấm qua hai vòng để có thể kịp thời phát hiện ra các gian lận nếu có.
Đặc biệt, năm 2019 Bộ giao cho các trường đại học cùng chấm trắc nghiệm và phần mềm chấm trắc nghiệm đã được điều chỉnh, chạy thử và tương đối yên tâm. Trong đó, các khâu từ ảnh của thí sinh đến bài thi và dữ liệu khác… đều được mã hóa, sao cho không có mối liên hệ giữa thí sinh và người chấm.
Tất cả những giải pháp này chỉ được thực hiện tốt và người điều hành nó vẫn là con người nên chú trọng khâu lựa chọn nhân sự và tập huấn cho các đối tượng làm công tác thi. Nếu các hội đồng thi thực hiện đúng quy chế, sẽ có kì thi an toàn.
Vậy các địa phương có được quyền chọn trường đại học để cùng phối hợp tổ chức thi hay Bộ sẽ là đơn vị chỉ định và theo nguyên tắc nào?
Ông Mai Văn Trinh: Về nguyên tắc, đại học địa phương sẽ không được tham gia tổ chức thi tại địa phương mình. Việc điều động cán bộ, giảng viên của các trường đại học về địa phương sẽ do Bộ GD&ĐT chỉ định trên cơ sở có sự lựa chọn kĩ càng.
Những trường nào có cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm và nhất là thái độ tích cực thì mới được chọn. Dự kiến trước ngày 25/3, công tác tập huấn cho cán bộ coi thi cả ở địa phương và các trường đại học sẽ phải hoàn thành. Các thí sinh sẽ bắt đầu đăng kí dự thi từ ngày 1/4 sắp tới.
Ngoài ra, trách nhiệm của ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cũng được đề cập trong dự thảo qui chế thi THPT quốc gia. Cho nên, khâu lựa chọn nhân sự là vô cùng quan trọng với cả địa phương và từ trường đại học.
Ông có lời nhắn nhủ như thế nào với các thí sinh khi thời điểm đăng kí dự thi đang tới gần?
Ông Mai Văn Trinh: Với các em thí sinh, tôi khuyên các em nên bám sát đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019 mà Bộ đã công bố tháng 11 năm 2018. Đề này có giá trị tham khảo rất tốt cho việc dạy và ôn tập cho giáo viên, học sinh. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.
Tôi cũng mong Bộ GD&ĐT khi làm đề thi chính thức cho kì thi THPT quốc gia 2019 sẽ bám sát tinh thần của đề tham khảo.
Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh là nghiêm cấm các nhà trường cắt xén chương trình, dạy tủ học lệch cho thí sinh. Với phương thức thi như hiện nay mà dạy tủ, học tủ thì sẽ thất bại.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnammoi