Thi THPT quốc gia 2020: Tập trung vào kiến thức đã học và có độ phân hóa

0
1166

Lượng kiến thức trong đề thi THPT quốc gia phù hợp với nội dung kiến thức học sinh được học. Ảnh minh họaLượng kiến thức trong đề thi THPT quốc gia phù hợp với nội dung kiến thức học sinh được học. Ảnh minh họa

Đề thi tập trung vào lớp 11 và học kỳ I lớp 12

Thầy Nguyễn Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) cho biết: Vấn đề thi THPT quốc gia được tổ nhóm chuyên môn của trường trao đổi trong buổi sinh hoạt chuyên môn mới đây. Theo đó, các ý kiến đều mong muốn nội dung kiến thức trong đề thi tập trung nhiều vào học kỳ II của lớp 11 và học kỳ I của lớp 12. Đề thi nên có nhiều câu hỏi về kỹ năng, vì học sinh được rèn luyện trong quá trình học, không chỉ trong một kỳ học, năm học. Bên cạnh đó, đề vẫn cần bảo đảm tính phân hóa.

Đồng tình với mong muốn trọng tâm kiến thức của đề thi sẽ vào kỳ II khối 11 và kỳ I của khối 12, thầy Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT ICOSchool (Bắc Giang) cũng cho rằng: Phần lớn trường ĐH sẽ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, điểm để xét ĐH cần phải mở rộng kiến thức đến học kỳ II của lớp 12 vì năng lực tự học là rất cần. Thầy Sơn cũng đề xuất cơ cấu lại mức độ đề với 70% là câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 30% là vận dụng, vận dụng cao.

Tương tự, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang trao đổi: Hiện các trường đều hoàn thành chương trình học kỳ I; học kỳ II đến thời điểm này được triển khai qua dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Tuy nhiên, phương thức này còn nhiều khó khăn, nhất là với những vùng hạn chế về điều kiện công nghệ thông tin. Do đó, vẫn nên tổ chức thi, nhưng cần thay đổi sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ, mức độ đề thi nên yêu cầu thấp hơn, tập trung nhiều vào nội dung học kỳ I lớp 12 và học kỳ II lớp 11. Về mức độ đề thi, có thể tăng các câu hỏi nhận biết, thông hiểu; Giảm số câu hỏi vận dụng, vận dụng cao nhưng vẫn phải có để bảo đảm tính phân loại.

Đưa ra những đề xuất rất cụ thể về nội dung đề thi, thầy Nguyễn Đức Thắng, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Nên bổ sung thêm kiến thức lớp 11 như chủ đề lượng giác, giới hạn. Đồng thời, thêm các câu hỏi liên quan đến góc và khoảng cách (Hình học 11); Tăng cường câu hỏi nội dung xác suất (Giải tích 11). Các chủ đề: Số phức (Giải tích 12), phương pháp tọa độ trong không gian (Hình học 12) nên ra nhẹ hơn, chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Còn chủ đề Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng có thể tích phân ra ở mức độ vận dụng thấp. Những câu phân loại học sinh không nên chốt ở những nội dung ở học kỳ II.

Sử dụng nhân lực tại địa phương

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ GD&ĐT điều chỉnh Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng vẫn giữ nguyên số bài thi là 5, trong đó 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Tuy nhiên, chỉ quy định “Để xét công nhận tốt nghiệp THPT thí sinh phải dự thi 3 bài thi độc lập và một môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp (do thí sinh lựa chọn trước; ví dụ môn Vật lý trong bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Lịch sử trong bài thi Khoa học Xã hội). Các môn thi thành phần còn lại trong bài thi tổ hợp được dùng để xét tuyển sinh cao đẳng, đại học”. Điều này, theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, sẽ không làm giảm cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ của thí sinh và kế hoạch tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ nhưng có tác dụng giảm áp lực học tập trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch bệnh và thực hiện phân luồng sau tốt nghiệp THPT.

Đưa ra một số điều chỉnh trong tình hình dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe, an toàn cán bộ làm công tác thi, sức khỏe an toàn và quyền lợi cho thí sinh, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề xuất kỳ thi năm nay nên sử dụng giáo viên, giảng viên các trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ thi ngay tại địa phương; Tránh số lượng lớn các giảng viên ĐH, CĐ phải di chuyển sang địa phương khác. Bộ GD&ĐT quyết định lực lượng từ trường ĐH, CĐ thanh tra cắm chốt tại các điểm thi. Phương án này thuận lợi cho địa phương thực hiện, tiết kiệm được ngân sách, an toàn cho giáo viên, học sinh nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu của kỳ thi và quyền lợi của thí sinh.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin triệt để những khâu phù hợp, có thể thêm lực lượng công an giám sát thêm. Thực hiện giảm số lượng thí sinh mỗi phòng thi, ví dụ khoảng 10 thí sinh/phòng; khoảng cách mỗi thí sinh là 2m, đeo khẩu trang. Hội đồng thi trang bị nước rửa tay sát khuẩn tại mỗi phòng thi để thí sinh sử dụng trước và sau khi thi. Tổ chức quán triệt quy chế thi trực tuyến cho cán bộ coi thi trước khi làm nhiệm vụ, ban hành tài liệu tóm tắt đến từng cán bộ làm công tác thi. Hiệu trưởng các trường có nhiệm vụ thông tin đến từng thí sinh những điều thí sinh được làm và không được làm trước thời gian thi 1 tuần. Thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả cán bộ làm công tác thi và thí sinh trước khi thi 2 tuần. Về chấm thi có camera giám sát rất chặt nên có thể giao cho lực lượng ĐH trên địa bàn tỉnh thực hiện…

“Như vậy, chỉ có một số thay đổi về kỹ thuật, các nội dung khác thực hiện theo quy chế đã ban hành. Các trường ĐH, CĐ tự chủ về phương thức tuyển sinh có thể sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, hoặc xét học bạ, hoặc vừa sử dụng kết quả thi THPT quốc gia vừa bổ sung thêm một số điều kiện phù hợp với ngành, nghề chuyên môn và thực tế của nhà trường. Phải dĩ bất biến, ứng vạn biến trong tình hình hiện nay” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu quan điểm.

Đề thi THPT quốc gia nên tăng cường các nội dung thực tiễn liên quan chủ đề: Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị; Hàm số lũy thừa, hàm số mũ; Hàm số Lôgarit; Mặt tròn xoay, khối tròn xoay. Mức độ đề thi nên có 70% nhận biết và thông hiểu; 30% mức độ vận dụng. – Thầy Nguyễn Đức Thắng  

Theo Báo Giáo dục và Đào tạo