Thi THPT: Tăng trách nhiệm cho trường ĐH, gian lận có giảm?

0
1317

Không chỉ chấm trắc nghiệm, nhiều người cho rằng cần để các trường đại học phối hợp cùng địa phương chấm bài tự luận hoặc thực hiện chấm chéo để hạn chế tối đa tiêu cực.

Chỉ còn gần hai tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2019 chính thức diễn ra. Điểm mới lớn nhất của năm nay là Bộ GD&ĐT giao các trường đại học (ĐH), học viện tham gia phối hợp nhiều hơn trong tổ chức thi và chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm. Điều này được các trường ĐH đánh giá cao và đang bắt tay vào thực hiện nhưng còn nhiều lo ngại để làm sao hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra.

Hạn chế sử dụng người “quê gốc”

Nói về công tác chuẩn bị, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết năm nay nhà trường sẽ phối hợp cùng ĐH Phan Thiết, ĐH Kinh tế tài chính và Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 và chấm thi tại tỉnh Bình Thuận nên trách nhiệm của trường nặng nề hơn.

Cụ thể, theo ông Sơn, trường đã cử người tham gia tập huấn công tác chấm thi theo phần mềm mới của Bộ GD&ĐT cùng với ban chỉ đạo thi của tỉnh. Đặc biệt, trường tăng cường công tác tuyển chọn cán bộ coi thi, chấm thi và nhất là sẽ hạn chế sử dụng người “quê gốc” tại tỉnh Bình Thuận về làm nhiệm vụ.

Ông Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết năm nay trường được giao phối hợp và chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Sóc Trăng. Khó khăn là đội ngũ phải di chuyển xa, việc đi lại, ăn ở sẽ vất vả hơn vì chưa rành địa bàn tỉnh này.

“Hiện trường đang làm việc với ban chỉ đạo thi của tỉnh về công tác tổ chức. Sau đó trường mới có kế hoạch cụ thể về nhân sự, phân công nhiệm vụ, chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí việc đi lại, ngủ nghỉ cho thầy cô trong quá trình coi thi và chấm thi. Nhà trường sẽ cố gắng phối hợp để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc nhưng không căng thẳng cho thí sinh” – ông Hải nói.

Theo ông Hải, năm nay vai trò của các trường ĐH có nặng hơn nhưng vẫn là trung gian để phối hợp tổ chức thi. Điều này sẽ đảm bảo ít nhiều khách quan hơn, vì nếu giao cho các địa phương thì rất khó tránh khỏi những mối quan hệ thân quen… dẫn đến tiêu cực.

Tại tỉnh Long An, bà Phan Thị Dạ Thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết năm nay tỉnh sẽ phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Đến thời điểm này, các bước đăng mục dữ liệu, báo cáo các dữ liệu về thi Sở đã gửi về Bộ GD&ĐT. Cũng theo bà Thảo, dự kiến sẽ có khoảng 34 điểm thi, các giáo viên tham gia và công tác coi thi đã được đào tạo và tập huấn. Năm nay ban chỉ đạo sẽ cho gắn camera ở các điểm thi từ chỗ tủ đựng bài thi, đề thi, chấm thi.

Gian lận có giảm?

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, rất ủng hộ việc Bộ giao cho các trường ĐH phối hợp với địa phương tổ chức thi, đặc biệt là chủ trì chấm trắc nghiệm, như thế kỳ thi sẽ diễn ra khách quan, chặt chẽ và phần nào hạn chế được tiêu cực. Tuy nhiên, hiện phần tự luận vẫn giao về các địa phương trong khi đây từng là khâu xảy ra gian lận ở một số địa phương những năm trước.

Theo ông Ngai, nên chăng Bộ GD&ĐT cần có biện pháp để quản lý, giám sát trong việc chấm thi tự luận ở các địa phương. Ngoài chấm thanh tra 5% theo quy định thì ở những nơi kết quả không tương xứng với chất lượng thi Bộ nên chấm thẩm định, đảm bảo kết quả chấm khách quan. Ngoài ra, công tác ra đề, coi thi… cũng cần được thực hiện nghiêm ngặt chứ không chỉ chấm thi.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cho biết dù đơn vị nào chấm, điều đó cũng không trả lời được “tuyệt đối không có tiêu cực” vì cũng do con người điều hành. Bộ đang chú trọng vào chấm thi, vậy các công tác khác thì sao? “Bộ nên đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các cơ sở giáo dục vì đây là cơ quan quản lý trực tiếp. Đồng thời giao cho các trường ĐH tự tuyển và tự chịu toàn bộ trách nhiệm” – ông Phú nói.

ThS Phạm Thái Sơn cũng cho rằng nên để các trường ĐH bố trí nhân sự hỗ trợ và giám sát công tác chấm bài tự luận thay vì chỉ giao cho địa phương; nếu cần thiết, khâu chấm kiểm tra 5% sẽ do trường đảm nhận.

Hà Nội có số thí sinh đăng ký đông nhất

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, trong đó Hà Nội có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với hơn 74.000 thí sinh, tiếp đến là TP.HCM với gần 71.000 thí sinh. Bài thi tổ hợp khoa học xã hội có hơn 468.000 thí sinh đăng ký dự thi (chiếm 52,83% tổng số thí sinh), bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên có gần 302.000 thí sinh đăng ký dự thi (chiếm 34,07% tổng số thí sinh). Có hơn 27.000 thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra từ ngày 25 đến 27-6 và vẫn có năm bài thi. Cả nước sẽ có 63 cụm thi, 207 trường ĐH, học viện được phối hợp tổ chức kỳ thi. Nhiều nhất là tại Hà Nội có 13 trường ĐH, học viện phối hợp với Sở GD&ĐT TP Hà Nội. Còn tại TP.HCM có sáu trường ĐH phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM. Đơn vị chủ trì chấm trắc nghiệm là ĐH Quốc gia TP.HCM (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế-Luật, Trường ĐH Khoa học tự nhiên).