Còn khoảng 2 tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước. Trong giai đoạn “nước rút”, chuyên gia, bác sỹ đưa ra lời khuyên đến thí sinh chiến lược ôn tập hiệu quả và giữ gìn sức khỏe.
Ôn tập hiệu quả, giữ gìn sức khỏe
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa (ngày 9, 10/8), kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 chính thức bắt đầu. Theo các giáo viên THPT, chuyên gia giáo dục, thời gian hai tuần tới là giai đoạn ôn tập “nước rút”, chỉ thích hợp cho việc hệ thống lại kiến thức cơ bản, rèn luyện thêm các kỹ năng làm bài để đạt điểm cao, phục vụ mục đích vào đại học. Do ảnh hưởng của COVID-19, nên kỳ thi năm nay được dự đoán là giảm nhẹ về độ khó, nhiều phần nội dung không đưa vào thi khi đã được tinh giảm. Đặc biệt, thí sinh chỉ hướng đến ôn trọng tâm 3 môn chính là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và chỉ được chọn một trong hai tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.
Do đó, thời gian không còn nhiều, thí sinh cần phân bổ hợp lý, tìm hiểu kỹ các yêu cầu của môn thi để ôn tập hiệu quả. Không nên quá ôm đồm nhiều kiến thức, hoặc cảm giác thiếu hụt kiến thức dễ nảy sinh tâm lý lo lắng, chán nản. Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh, thầy Đặng Đình Đại – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, thời gian ôn thi cũng không còn nhiều, thí sinh cần xem lại những đề thi minh họa đã được công bố, các đề thi của các kỳ thi năm trước, “nghiên cứu” lại các đề bài thi thử, đánh giá kết quả của mình trong những lần làm bài đó, xem xét những điểm chưa được của mình. Môn nào hổng kiến thức, cảm thấy yếu, các em cần xem lại lý thuyết, tăng cường làm bài tập.
“Đối với môn Ngữ văn, ngoài nắm chắc kiến thức thuộc chương trình sách giáo khoa, thí sinh cần cập nhật thêm thời sự thế giới, trong nước, những vấn đề nổi bật trong thời gian qua… Đề thi theo hướng “mở” các năm qua, nên nếu có am hiểu, góc nhìn thì khi làm bài sẽ tự tin, đạt điểm tốt. Còn đối với các môn thi trắc nghiệm, thí sinh cân lưu ý trong quá trình làm bài, cần làm trước những câu dễ, câu chắc chắn đáp án, cuối cùng là khoanh các đáp án còn lại, không được để trống vì có thể những câu mình lưỡng lự vẫn có thể mang điểm về cho mình còn hơn là để trống”, thầy Đặng Đình Đại cho biết thêm.
Lưu ý tới các thí sinh cần giữ gìn sức khỏe để có một kỳ thi tốt, BS dinh dưỡng Hà Việt Hòa (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, thí sinh cần bố trí thời gian kết hợp giữa ôn tập, nghỉ ngơi cho hiệu quả, sức khỏe có tốt mới ôn tập tốt được. Thí sinh có thể bố trí học ôn nhiều hơn bình thường, song cần duy trì mỗi ngày ngủ 7 – 8 tiếng vào ban đêm và ngủ khoảng 30 phút vào buổi trưa. Bên cạnh đó, thí sinh cần tăng cường năng lượng cho não để có trí nhớ tốt. Ngoài ra, thí sinh có thể tập thể dục nhẹ nhàng, đọc sách, hoặc xem ti vi để thư giãn. Tránh lạm dụng các loại thuốc bổ mà chưa có sự tư vấn của các bác sỹ.
Tránh trượt oan vì vi phạm quy chế
Bên cạnh việc tổ chức ôn tập cho hiệu quả, Bộ GD&ĐT cũng đã lưu ý tới các địa phương chỉ đạo nhà trường phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT đến từng thí sinh. Theo Bộ, trong những năm qua, mặc dù đã phổ biến, tuyên truyền về kỳ thi song vẫn xảy ra tình trạng thí sinh nhầm giờ thi, ngủ quên, thậm chí vi phạm quy chế thi dẫn đến đình chỉ như mang điện thoại di động vào phòng thi, mặc dù không sử dụng nhưng nếu bị phát hiện trong giờ thi sẽ vẫn bị lập biên bản và đình chỉ thi.
Ngoài ra, thí sinh cũng hết sức lưu ý, theo quy chế của kỳ thi, khi dự thi thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định ghi trong Giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi: Xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân và nhận thẻ dự thi. Trường hợp bị mất thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, phải báo cáo ngay cho Trưởng điểm thi để xem xét, xử lý. Mỗi buổi thi, có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của Ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác) do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành; các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể truyền và nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Thí sinh không được mang vào phòng thi: Giấy than, bút xoá, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong phòng thi, thí sinh không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Nếu muốn có ý kiến phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi được phép mới được nêu ý kiến của mình. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên Phiếu trả lời trắc nghiệm. Chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ). Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng làm bài ngay.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trong hai ngày là mùng 9 và 10/8 với 4 buổi thi tương ứng với 4 bài thi, bao gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; và 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) đối với thí sinh hệ THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học Chương trình GDTX cấp THPT. Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cả nước có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tăng hơn 13.500 thí sinh so với năm trước. Trong đó, có 51.712 thí sinh tự do (chiếm 5,74%).
Theo Báo Giáo dục và đào tạo