Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, chỉ cần lên các trang chuyên bán hàng online hay một số cửa hàng, tiệm photocopy gần các trường học cũng dễ dàng mua bộ ‘đồ chơi’ công nghệ để sử dụng trong thi cử.
Với phương châm “ngụy trang kín đáo, đảm bảo điểm 10” nên trên một số trang bán hàng, người bán còn làm cả clip hướng dẫn cách giấu máy, gắn tai nghe sao cho giám thị không phát hiện…
Ông Tôn Thất Trường Nam (phải) và giảng viên Trần Quốc Lâm, khoa khoa học tự nhiên và công nghệ, bên chiếc máy quét phiên bản Một chiếc hoàn thiện – Ảnh: TR.TÂN
Siêu nhỏ, siêu nét, siêu nhạy…
Phóng viên Tuổi Trẻ đóng vai người mua hàng online cần một điện thoại có chức năng “tự bốc máy” và có tai nghe siêu nhỏ. Sản phẩm là một chiếc điện thoại có kích thước như thẻ ATM nhưng dày gấp đôi. Chiếc điện thoại này có khe lắp sim, có khe sạc pin được quảng cáo là “pin trâu”, xài 2-3 ngày mới phải sạc.
Người bán hàng hướng dẫn thêm trên trang mạng, khi vào phòng thi, phải dán chiếc thẻ ATM ở ngực, hoặc bỏ trong túi áo sao cho kín là đảm bảo an toàn. Theo đó, khi giờ thi bắt đầu, người ở ngoài sẽ gọi điện vào số điện thoại gắn trong “thẻ ATM” dán trên người thí sinh và máy sẽ tự nhấn trả lời.
Đầu dây ở ngoài sẽ “alô” và âm thanh tự chuyển lên tai nghe siêu nhỏ đã gắn trong tai thí sinh, sát màng nhĩ từ trước. Khi nhận được tín hiệu, thí sinh chỉ cần giả như nhẩm câu hỏi thì dữ liệu sẽ chuyển ra cho người giải đề ở ngoài phòng thi.
“Điện thoại này cực nhạy, để 2m nói vẫn nghe nên dù bạn đọc đề rất nhỏ, chỉ thì thầm thôi nhưng bên ngoài vẫn nghe được. Khi có bài giải, bên ngoài sẽ đọc vào cho bạn chép. Cứ ngồi thi như bình thường thì giám thị không tài nào phát hiện” – người bán hàng tư vấn thêm qua điện thoại cho khách.
Tuy nhiên, công nghệ của chiếc máy mà phóng viên mua chỉ là “hạng ruồi” so với nhiều món đồ công nghệ siêu nhỏ, chụp hình siêu nét, âm thanh siêu nhạy… Ví dụ như chiếc điện thoại có tai nghe siêu nhỏ được giới thiệu tích hợp máy quay phim chụp ảnh chất lượng 4K, gắn ở nút áo thí sinh.
Theo một chuyên gia, chiếc máy này kết nối với điện thoại tự giấu kín trong áo và điện thoại của thí sinh bỏ ngoài hành lang. Theo đó, cứ 3 giây, máy ảnh trên nút áo sẽ tự động chụp hình đề thi mà thí sinh giả vờ để trước mặt để đọc.
Máy chụp xong sẽ tự động chuyển đến điện thoại đặt ở hành lang rồi gửi file ảnh đến điện thoại của người giải đề đang ngồi ở nhà hoặc đâu đó gần điểm thi.
Khi giải đề xong, người ở ngoài sẽ tắt chức năng chụp hình của máy ảnh gắn ở nút áo thí sinh trong phòng (để tránh bị lộ, tiết kiệm pin), sau đó đọc bài giải cho thí sinh chép.
Một chiếc điện thoại “tự bốc máy” có hình thù nguỵ trang một chiếc thẻ ATM – Ảnh: TRUNG TÂN
Trang bị đến… tận răng
Tại một đợt thi của các học viên ngành y, máy quét phát hiện trong phòng có thí sinh đang sử dụng thiết bị gian lận, nhưng không tài nào tìm ra thiết bị nằm ở đâu. Đến hôm sau, thí sinh này lại bị lập biên bản ở môn thi khác vì mang tài liệu vào phòng thi. Lúc này, thí sinh mới bật mí: thiết bị gian lận được cấy… trên chiếc răng ở hàm trên.
Chiếc “điện thoại” giấu trong răng thực hiện “chức năng nghe gọi bình thường” mà không hề gây khó chịu khi ăn uống, rất khó tìm “vật chứng” dù biết đích xác thí sinh gian lận.
“Công nghệ gian lận cho thí sinh ngày càng tinh vi và trang bị đến tận răng theo đúng nghĩa đen nên việc chống gian lận sẽ khó khăn hơn rất nhiều” – ông Nam thông tin.
Phải chặn nhập lậu “công nghệ gian lận”
Ông Tôn Thất Trường Nam, khoa khoa học tự nhiên và công nghệ Trường ĐH Tây Nguyên, người nhiều năm nghiên cứu về công nghệ gian lận thi cử, khẳng định công nghệ gian lận ngày càng tinh vi. Nếu trước đây, “công nghệ gian lận” là những chiếc điện thoại tự bốc máy hình thù như thẻ ATM, móc khóa, cục tẩy thì hiện nay có hàng trăm dạng ngụy trang khác mà các giám thị ở các kỳ thi khó mà phát hiện.
Một cán bộ làm công tác thanh tra trong lĩnh vực thi cử nhiều năm tại Đắk Lắk thông tin thêm: phần lớn các thiết bị điện tử ngụy trang để gian lận thi cử đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Các sản phẩm sản xuất có giá từ 80.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng bán đến tay khách hàng tăng gấp 10 lần nên lợi nhuận rất cao, vì vậy mặt hàng này bán nhan nhản.
Theo cán bộ này, tất cả mặt hàng này đều nhập lậu qua đường tiểu ngạch bằng cách trộn lẫn vào các mặt hàng khác, ghi tên mặt hàng khác… Vì vậy, để hạn chế tối đa việc gian lận thi cử từ ban đầu, phải đẩy mạnh ngăn chặn nhập lậu các thiết bị liên quan đến gian lận thi cử từ biên giới.
“Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phải ngăn chặn việc các website, mạng xã hội quảng cáo, buôn bán hầu như công khai mặt hàng này. Có làm được các bước ngăn chặn từ ban đầu thì mới có thể hạn chế tối đa việc gian lận. Nếu một số ít thí sinh mua được các sản phẩm ngụy trang để gian lận thì hạn chế tiêu cực trong thi cử một cách tối đa” – cán bộ này đề xuất.
Cũng theo các chuyên gia, các công nghệ siêu nhỏ, ngụy trang còn có chức năng nghe, chụp lén, đánh cắp thông tin cá nhân… của người khác, gây hậu quả khôn lường nên cần ngăn chặn triệt để từ biên giới.
Các thiết bị gian lận thi cử bị phát hiện tại Trường ĐH Tây Nguyên – Ảnh: TR.TÂN
Máy phát hiện thiết bị gian lận
Ông Tôn Thất Trường Nam cùng đồng nghiệp của mình chính là những tác giả của thiết bị phát hiện gian lận thi cử bằng công nghệ cao tại ĐH Tây Nguyên. Chiếc máy quét sóng từ trường phát hiện được các tai nghe siêu nhỏ. Tuy nhiên, máy chỉ quét, phát hiện gian lận khi thí sinh có sử dụng công nghệ để trao đổi đề thi, bài giải với người ở ngoài bằng các thiết bị ngụy trang có tai nghe siêu nhỏ. Tức là thí sinh, người gian lận đã trang bị công nghệ lọt đến phòng thi rồi mới bị phát hiện.
Có lần đi thử nghiệm tại tiết kiểm tra ở một trường THPT, máy đã phát hiện hai thiết bị gian lận thi cử do học sinh sử dụng. Các thí sinh này khai mua thiết bị này về dùng thử và đây là “bước tập dượt” cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
TS Nguyễn Thanh Trúc – hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên – cho biết thêm qua nhiều lần cải tiến, máy đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng rộng rãi và phát hiện khoảng 60 sinh viên gian lận bằng công nghệ. Trường cũng đã có báo cáo sơ bộ về việc chế tạo thành công chiếc máy quét này với Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, việc có áp dụng, nhân rộng ở kỳ thi THPT quốc gia hay không còn là chuyện rất dài vì nó phụ thuộc vào các quy định, quy chế thi.
Mời công an tập huấn cho giám thị để phát hiện gian lận
Trao đổi về việc chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT – cho biết trong chương trình tập huấn cho cán bộ tham gia kỳ thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu làm kỹ – trong đó chú ý đến việc cảnh giác với gian lận bằng công nghệ cao.
Ngành giáo dục sẽ mời lực lượng an ninh mạng, chuyên gia kỹ thuật công nghệ cao của Bộ Công an tham gia ban chỉ đạo thi và trực tiếp tập huấn cho cán bộ. Tuy nhiên, ông Trinh cũng nhận định việc gian lận công nghệ cao sẽ đa dạng, tinh vi, đòi hỏi công tác thanh tra, giám sát phải được tập huấn kỹ, thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ áp dụng một loạt giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa, phát hiện gian lận thi. Nhưng theo ông Trinh, dù thiết bị, máy móc có được trang bị hiện đại đến đâu thì yếu tố con người vẫn rất quan trọng. Vì thế, ngoài việc lựa chọn kỹ người tham gia kỳ thi ở các địa phương, khâu tập huấn được đặc biệt lưu ý. (V.HÀ)