Thông tin mới nhất về điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học

0
1715

Theo văn bản hướng dẫn mới nhất của bộ GD&ĐT gửi các các cơ sở đào tạo về công tác tuyển sinh năm 2019, thí sinh cả nước sẽ có 3 ngày để thực hành làm quen với việc điều chỉnh nguyện vọng.

Cụ thể, theo lịch tuyển sinh của Bộ GDĐT, trong các ngày từ ngày 16/7 đến ngày 18/7, Cổng thông tin tuyển sinh sẽ mở để thí sinh, điểm tiếp nhận hồ sơ thực hành thử nghiệm điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển trực tuyến.

Thí sinh sẽ được làm thử trên website này, kết quả thực hành điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển của thí sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh sẽ bị xóa toàn bộ sau khi kết thúc đợt chạy thử. Hệ thống sẽ được làm mới lại để thí sinh chính thức điều chỉnh NV từ ngày 22/7.

Kết quả này trên cổng thông tin tuyển sinh sẽ bị xóa toàn bộ sau khi kết thúc đợt chạy thử. Hệ thống sẽ được làm mới lại hoàn toàn để thí sinh chính thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 22/7.

Theo văn bản hướng dẫn, Bộ GD&ĐT cho phép các trường thực hiện điều chỉnh đề án tuyển sinh. Cụ thể, các trường tiếp tục rà soát lại đề án gồm: chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển, tiêu chí phụ, điểm xét tuyển môn năng khiếu… Các thông tin này phải chính xác với dữ liệu đã khai báo trong hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh.

Trong trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung nội dung đề án thì tuân thủ quy định, việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến quyền lợi các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường.

Các nội dung điều chỉnh cùng đề án đã điều chỉnh phải gửi về Bộ GD&ĐT trước 17h ngày 10/7 để đảm bảo công khai đề án trước 10 ngày khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đợt 1.

Theo lịch tuyển sinh, từ 22/7 đến 17h ngày 29/7, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng chính thức theo phương thức trực tuyến. Từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức phiếu đăng ký xét tuyển.

Theo quy định, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào là tổng điểm 3 bài/môn thi + (điểm ưu tiên khu vực, đối tượng) theo thang điểm 10. Phân tích từ các chuyên gia giáo dục cho thấy, tùy từng NV theo thứ tự đăng ký vào những trường, ngành thuộc “top” nào, thí sinh nên tự đặt ngưỡng cho mình.

Nếu điểm thi không cao, cho dù trên ngưỡng xét tuyển của một trường nào đó thuộc top đầu, nhưng trường đó đặt điểm sàn với mức vừa phải thì thí sinh cũng không nên quá tự tin mà thay đổi NV xét tuyển vào đó, vì điểm sàn chỉ là ngưỡng tối thiểu để xét tuyển. Còn trúng tuyển sẽ là kết quả xét điểm thí sinh từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) là nhóm ngành có số NV đăng ký cao nhất, 822.956 NV nhưng chỉ tiêu là 126.473 (số NV đăng ký nhiều hơn 6,9 lần so với chỉ tiêu). Trong khi đó, khối ngành có tỷ lệ “chọi” cao nhất (1/7) là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn – du lịch – thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng), chỉ tiêu là 104.769 nhưng có đến 739.587 NV.

Đặc biệt, nhóm ngành an ninh, quốc phòng có chỉ tiêu ít nhưng số NV đăng ký quá nhiều, khiến tỷ lệ chọi rất cao. Khối VI (ngành sức khỏe) có tổng số NV đăng ký là 199.573 nhưng chỉ tiêu chỉ 34.352 (tỷ lệ chọi trung bình là 1/5,8).