Tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2 năm trước ở mức 91%-93%. Nhiều yếu tố cho thấy khả năng tỉ lệ tốt nghiệp năm 2017 có thể sẽ tăng ở quy mô cả nước.
Với chủ trương nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 có tỉ lệ tốt nghiệp thấp kỷ lục, chỉ đạt 67%. Tuy nhiên, những năm sau đó, tỉ lệ tốt nghiệp được “phục hồi” dần. Năm 2014 – năm cuối cùng còn kỳ thi tốt nghiệp riêng biệt và song hành cùng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ – tỉ lệ tốt nghiệp đã cán mức 99% (99,09%). Từ năm 2015, khi chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia (xem như hợp nhất 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đó), tỉ lệ tốt nghiệp THPT có giảm nhưng vẫn ở mức trên 90% (năm 2015: 91,58%, năm 2016: 92,93%).
Khó… trượt tốt nghiệp
Có nhiều yếu tố cho thấy khả năng tỉ lệ tốt nghiệp năm 2017 có thể sẽ tăng ở quy mô cả nước và ở nhiều địa phương.
Đầu tiên, đề thi THPT quốc gia 2017 chỉ tập trung trong chương trình lớp 12 là một yếu tố thuận lợi. Do có nhiều thay đổi về đề thi cũng như cấu trúc đề (thi theo bài thi chứ không theo môn và phương thức chủ yếu là trắc nghiệm) nên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định phạm vi ra đề năm nay chỉ nằm trong chương trình lớp 12. Do vậy, học sinh không phải mất thời gian ôn tập lại kiến thức lớp 10 và 11 khi kỳ thi sớm hơn những năm trước đến 10 ngày.
Công thức tính điểm xét tốt nghiệp dựa trên 50% điểm trung bình của năm lớp 12 cũng giúp thí sinh dễ đậu tốt nghiệp hơn. Thống kê của những năm trước cho thấy điểm trung bình lớp 12 của hầu hết các trường THPT trên cả nước đều cao hơn điểm thi THPT quốc gia trung bình của thí sinh khoảng 2 điểm. Cá biệt, ở một số trường THPT, chênh lệch này lên đến 4 điểm. Những thí sinh rớt tốt nghiệp THPT chủ yếu do vướng phải điểm liệt (có một môn thi điểm từ 1 trở xuống).
Đây là năm đầu tiên có đa số môn thi theo hình thức trắc nghiệm, chỉ môn văn thi hình thức tự luận. Thống kê những năm trước cho thấy số bài thi bị điểm liệt (từ 1 trở xuống) của các môn trắc nghiệm rất thấp. Ngược lại, ở các môn tự luận, tỉ lệ này khá cao. Chẳng hạn, số thí sinh bị điểm liệt theo từng môn trong năm 2015 như sau: toán: 20.667, lịch sử: 1.083, ngữ văn: 973, địa lý: 550, vật lý: 260, hóa học: 300, sinh học: 300, ngoại ngữ: 175.
Những số liệu nêu trên cho thấy cùng là các môn tự nhiên, với độ khó gần như nhau thì tỉ lệ thí sinh bị điểm liệt các môn thi bằng hình thức trắc nghiệm thấp hơn tự luận. Yếu tố này sẽ tác động không nhỏ đến tỉ lệ tốt nghiệp của kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Như vậy, với quy chế xét tốt nghiệp rất thoáng (tổng điểm 4 bài thi cộng tổng điểm khuyến khích chia 4 cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia 2, sau đó cộng tất cả với điểm ưu tiên) và cách cho điểm theo hướng có lợi cho thí sinh của giáo viên ở các trường phổ thông, chắc chắn điểm trung bình sẽ được đẩy lên rất cao. Khi đó, chỉ có điểm liệt là yếu tố quan trọng nhất để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, với quy định điểm liệt là 1 như hiện nay thì chỉ còn tác dụng lọc lại những thí sinh vi phạm quy chế, không biết tô đáp án và thậm chí không muốn đậu tốt nghiệp. Còn trường hợp những thí sinh rất yếu nhưng vẫn mong muốn đậu thì khả năng trượt chỉ là hy hữu.
Mong chờ một kỳ thi trung thực
Cho dù hiện có đến hơn 100 trường ĐH xét tuyển thí sinh từ học bạ THPT nhưng hầu hết vẫn dựa chủ yếu vào kết quả điểm thi THPT quốc gia, đặc biệt là những trường ĐH lớn thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Với số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia gần gấp đôi chỉ tiêu tuyển, các trường ĐH rất cần có sự phân cách trong điểm thi để có thể xét chọn được sinh viên trúng tuyển.
Do vậy, dù tỉ lệ tốt nghiệp THPT có cao bao nhiêu đi nữa, độ phân cách trong điểm thi là một yếu tố cần thiết. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được giao hoàn toàn cho các sở GD-ĐT chủ trì tổ chức là một thử thách lớn khi mà trong quá khứ đã có những hiện tượng tiêu cực.
Trong 2 kỳ thi THPT quốc gia 2015 và 2016, khi còn 2 loại cụm thi ĐH (do các trường ĐH chủ trì) và cụm thi tốt nghiệp (do các sở GD-ĐT địa phương chủ trì), các trường hợp vi phạm kỷ luật phòng thi gần như chỉ phát hiện tại những cụm thi ĐH. Tất nhiên, hầu hết các vụ vi phạm kỷ luật phòng thi ở những năm trước đều xảy ra trong các buổi thi môn tự luận.
Hy vọng năm 2017, cùng với việc chuyển đổi hình thức thi sang trắc nghiệm (khó quay cóp hơn) và với sự giám sát của 50% cán bộ coi thi đến từ các trường ĐH, kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ được tính nghiêm túc, trung thực để làm cơ sở cho nhiều trường ĐH làm căn cứ xét tuyển thí sinh có kết quả thi đúng thực chất.
Theo LNĐ