Tình trạng coi thi THPTQG: Ai giám sát Giám thị?

0
3836

Dù nhận định việc một giáo viên làm lọt đề thi ra ngoài ở cả 2 môn thi trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội vừa qua chỉ là chuyện hy hữu, nhưng nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi nghĩ tới kỳ thi THPT quốc gia sắp tới cũng do các sở GD-ĐT chủ trì.

Không biện pháp nào giám sát giám thị!

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khi chia sẻ với PV Thanh Niên đã tỏ ra rất tiếc vì ý thức quá yếu của cá nhân giám thị Nông Hoàng Phúc. Ông Dũng cũng khẳng định sẽ xử lý thật nghiêm với không chỉ giám thị mà cả với những người có trách nhiệm tại điểm thi đó, coi đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho kỳ thi THPT sắp tới.

Nhà giáo Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường trung học Wellspring, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Q.Long Biên, Hà Nội), cho hay chưa bao giờ gặp phải tình trạng tương tự nhưng công tác phòng ngừa cũng rất quan trọng. Theo ông Đại, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của chính những người tham gia công tác coi thi.

Cùng quan điểm, một giáo viên (GV) THPT ở Hà Nội cho rằng, các kỳ thi tuy được tổ chức rất quy củ theo một quy chế nghiêm ngặt và quy trình chặt chẽ, nhưng thực hiện được thế nào lại phụ thuộc vào ý thức, nhận thức của từng giám thị hoặc cán bộ, nhân viên tham gia phục vụ thi. Nhưng công cụ để giám sát việc thực hiện quy chế, quy trình của những người tham gia phục vụ các kỳ thi thì không mạnh.

Chẳng hạn, có quy định cấm giám thị mang điện thoại di động vào khu vực thi khi làm nhiệm vụ coi thi, nhưng không có biện pháp nào giám sát việc thực hiện lệnh cấm này. Người có ý thức thì sẽ để điện thoại lại vòng ngoài trước khi bước vào khu vực thi, còn người không có ý thức thì có thể mang vào nhưng vẫn sẽ không bị phát hiện (nếu không sử dụng hoặc việc sử dụng không lộ liễu), bởi không ai đứng ra khám xét việc này. Tất cả biện pháp chỉ dừng lại ở mức độ răn đe.

Quy chế đủ mạnh chưa?

Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, cho hay việc một giám thị làm lọt đề thi vừa qua được sở này coi là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT sắp tới. “Trong tuần tới chúng tôi sẽ triển khai công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho kỳ thi và hiện tượng này sẽ được đưa ra tại hội nghị tập huấn này để nhắc nhở, rút kinh nghiệm”, ông Phê nói. Theo ông Phê, một mặt sẽ phải chặt chẽ hơn trong tuyển chọn cán bộ, GV làm nhiệm vụ coi thi, mặt khác sẽ phải tập huấn, phổ biến kỹ hơn quy chế, nhấn mạnh tới trách nhiệm và hình thức xử lý kỷ luật ra sao nếu để xảy ra vi phạm.

Còn ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định sau sự việc của Hà Nội, ngành giáo dục phải đối chiếu và xem lại quy chế, nếu vi phạm ở mức độ nào thì phải có quy định xử lý đến đó theo đúng quy chế. Đồng thời, phải công bố rộng rãi kết quả xử lý để có tính chất răn đe, cảnh báo, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn ở những kỳ thi, tuyển sinh sau. Cần xem quy định đã đủ mạnh chưa, nếu chưa thì phải sửa đổi lại cho phù hợp.

Ngăn chặn tình trạng coi thi nơi “lỏng”, nơi “chặt”

Tại cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, giải đáp những băn khoăn về mức độ “lỏng – chặt” khác nhau trong khâu coi thi ở mỗi hội đồng thi, đặc biệt là ở mỗi địa phương khi mà kỳ thi được giao về cho các địa phương chủ trì, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định năm nay Bộ sẽ tăng cường các giải pháp, kể cả giải pháp kỹ thuật và quản lý.

Cụ thể, vẫn tiếp tục điều cán bộ, giảng viên các trường ĐH cùng coi thi với cán bộ, GV ở các địa phương. Năm nay, Bộ điều chỉnh về cán bộ giám sát phòng thi theo tỷ lệ tăng lên so với năm 2017. Bên cạnh đó, còn tăng cường thanh tra. Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, ngày 15.6 Bộ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về kỳ thi, chắc chắn những thông tin liên quan đến an toàn, kỷ luật phòng thi sẽ được thảo luận và chỉ đạo quyết liệt.

Theo Thanhnien