TP.HCM: Thí sinh duy nhất điểm 10 môn toán là học sinh chuyên hóa, chưa từng học thêm

0
8387

Là thí sinh duy nhất tại TP.HCM được 10 điểm môn toán kỳ thi THPT quốc gia 2018, Nguyễn Trần Công Đạt còn đạt thành tích đáng nể môn hóa 9,5 điểm, lý 8,25 điểm dù 12 năm chưa từng đi học thêm.

Điểm 10 các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 không còn là những “cơn mưa”, đặc biệt là môn toán.

Tại TP.HCM, chỉ có một điểm 10 duy nhất của một thí sinh, một cậu học trò chuyên hóa. Đó là em Nguyễn Trần Công Đạt, lớp 12A8 Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú.

Gần như không học thêm, Công Đạt tự học tự luyện đề tại nhà – ẢNH: TƯỜNG HÂN

Không bao giờ đi học thêm

Nhà Đạt nằm trong một con hẻm sâu thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Dù gần nhà cũng có trường cấp III, em lại chọn ngôi trường xa nhà hơn 10 cây số vì “có bạn cùng học ở đó, trường lại có nhiều hoạt động phong trào ngoại khóa vui chơi, em rất thích”.

Điều đặc biệt, Nguyễn Trần Công Đạt còn đạt thành tích đáng nể các môn: hóa 9,5 điểm, lý 8,25 điểm dù 12 năm chưa từng đi học thêm!

“Từ lớp 1 đến lớp 12 em không học thêm. Nhưng có một lần, lúc đó là tháng 3 vừa rồi, thấy các bạn đi ôn thi đại học nhiều nên em cũng hơi lo nên đăng ký đi học môn toán.

Nhưng em không học cô giáo bộ môn trên lớp mà học thầy giáo trong trường để xem có phương pháp nào khác và mới không. Đi học được hơn 1 tháng, em nhận ra mình đã đúng khi quyết định không học thêm vì rất mất thời gian.

Một tháng đó em không có thời gian giải bài tập ở lớp của nhiều môn, vì học thêm về còn phải giải bài tập thầy giao, mà quanh đi quẩn lại trọng tâm vẫn là kiến thức cơ bản, thế là em quyết định nghỉ, tự học tự ôn”, Đạt chia sẻ.

Sau những giờ học chính khóa ở trường, Đạt về nhà tự học, nắm chắc những gì thầy cô giảng trên lớp và tìm sách nâng cao tham khảo thêm. Thời gian còn lại em chuyện trò cùng chị gái bị khiếm thị rồi xem phim, nghe nhạc giải trí…

“Lúc em đang chơi ở nhà và nhắn tin cho các bạn thì bạn em thường trả lời là đang học thêm. Em hoàn toàn không bị áp đặt giờ giấc vì em chủ động được thời gian, không phụ thuộc vào bất kỳ lịch học nào bên ngoài, vì thế bao nhiêu năm nay em thấy đi học rất vui”, Đạt cười nói.

Là một cậu học trò thích môn hóa học, năm lớp 11 đạt giải nhất Olympic môn hóa, lớp 12 vừa đoạt giải nhì giải toán nhanh bằng máy tính Casio môn hóa và giải 3 trong kỳ thi Học sinh giỏi cấp thành phố nên thang điểm mà em tự đưa ra trong kỳ thi này để bản thân tự phấn đấu là phải đạt được điểm 10 môn hóa, còn toán và lý chỉ khoảng 8-9 điểm.

Sau khi làm xong bài thi các môn, không riêng gì môn toán, em về nhà và không đối chiếu đáp án các môn mặc dù thầy cô có chia sẻ trên Facebook. Đạt đợi đúng ngày Bộ GD-ĐT công bố đáp án chính thức.

“Mặc dù đối chiếu và tra đi tra lại nhiều lần thấy môn toán mình đúng trọn vẹn, 10 điểm nhưng em vẫn run và không tin, vì nhiều khi em chéo trên đề đúng nhưng khi tô vào giấy thi lại bị nhầm ô, em cũng chỉ nói ba mẹ, còn bạn bè có hỏi em vẫn giấu”.

Nói về điểm 10 bài thi môn toán thì Đạt cho rằng lớp 12A8 có nhiều bạn học tốt hơn, và thừa nhận mình cũng có chút may mắn. Đạt kể lại: “Em làm mã đề 106 thì ở 6 câu cuối tuy em còn thời gian tính toán nhưng không ra kết quả.

Trong đó, có 3 câu không có cơ sở để chọn, khó nhất là câu đếm số giá trị để thả theo biểu thức đề bài đã cho, nhưng em linh cảm đáp án quen mắt rồi chéo. Còn 3 câu còn lại em dùng phương pháp loại trừ, và một chút cảm tính”.

Vì không bao giờ đi học thêm nên quan điểm học tập cũng như phương pháp học của em hết sức đơn giản.

“Em không học đâu xa, học ở lớp, về nhà em xem lại, rồi thầy hóa cho mượn sách toán, bộ đề toán. Học phần nào em giải chắc và mở rộng dạng của phần đó.

Ví dụ phần tích phân, em giải hết các xấp tài liệu, làm nhiều dạng bài tích phân cho quen tay, quen mắt, quen hướng tư duy thì sẽ nhớ rất lâu. Học toán thông minh không chưa đủ”, Đạt cho biết thêm.

Công Đạt lúc rảnh rỗi thường nấu cơm cùng mẹ và chị gái – Ảnh: TƯỜNG HÂN

Sẽ theo đuổi ước mơ đến cùng

Sinh ra trong một gia đình có ba làm kế toán tại Trường tiểu học Vĩnh Lộc B, mẹ từng làm công nhân xưởng may.

Thuở nhỏ đi học cùng trường ba công tác, Đạt thường xuyên nghỉ trưa ở lại trường với ba. Chứng kiến cảnh sinh hoạt, giảng dạy của thầy cô nơi đây, đã khơi lên trong em ước mơ theo nghề “trồng người”.

Vì thế Đạt có ý định sẽ thay đổi lại nguyện vọng sau khi biết điểm thi. Ban đầu em chọn NV1 vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ngành kỹ thuật hóa học; NV2 ngành sư phạm hóa của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Mặc dù điểm cao đi nữa, nhưng Đạt vẫn không thay đổi nguyện vọng. Em tâm tư: “Biết rằng lần đăng ký “nháp” ban đầu vào ngành mà sau này ra trường em sẽ có cơ hội tìm nhiều việc làm, lương cao.

Nhưng đến giờ phút này mà nói, em vẫn sẽ theo đuổi đam mê ước mơ đến cùng. Vì em tin vào nghề mình chọn, em tin vào công việc mà có đam mê và chăm chỉ cống hiến thì chắc chắn trời sẽ không phụ lòng người, thậm chí sẽ tốt hơn.”

Tất cả những suy nghĩ về ước mơ, về phương pháp học, về chọn trường chọn lớp chọn ngành từ lớp vỡ lòng đến năm cuối cấp, Đạt đều tự mình chọn. Gia đình chỉ đứng phía sau ủng hộ, dõi theo.

Bà Trần Thị Nga, mẹ của Đạt bộc bạch: “Con thi đạt điểm cao, nhất là điểm 10 môn toán, thật sự gia đình mừng mà run cả người. Vì cả ba mẹ từ xưa giờ không can thiệp, không chỉ dạy nội dung bài vở, con lại không đi học thêm.

Chủ yếu là sức học và ý thức học tập của con. Cũng dặn con rằng nếu con muốn gì thì cứ lên tiếng, muốn đi học thêm thì ba mẹ cũng rang làm cho đi học thêm, nhưng con vẫn tự lo tự hoc.”

Vì có chị gái bị khiếm thị, mà chị là người Đạt rất hay tâm sự, tâm sự nhiều hơn cả ba mẹ, nên em không học thêm là để có thời gian gần gũi chị. Những chuyện trên trời dưới biển, những chuyện về điểm số, về những lần khoe kết quả học tập, những lúc giúp đỡ chị… là niềm vui trong học tập trong cuộc sống của em.

“Mẹ cũng hay nói cố gắng học vì trong nhà chỉ còn mỗi em, nên lớn lên em sẽ thay trách nhiệm cho cả chị hai. Vì vậy, em luôn tự nhắc mình sẽ theo đuổi ước mơ đến cùng để sau này lo chăm sóc cho cả gia đình”, em trải lòng.

Theo Tuổi Trẻ