Trúng tuyển ‘ảo’ quá nhiều, điểm chuẩn ĐH sẽ biến động thế nào?

0
1078

Do lượng trúng tuyển “ảo” từ các phương thức như xét học bạ, đánh giá năng lực… quá nhiều, nhiều trường ĐH điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 tăng lên nên dự kiến điểm chuẩn sẽ có biến động.

Phải tăng chỉ tiêu từ xét tốt nghiệp vì trúng tuỷển “ảo” từ các phương thức khác quá nhiều

Thí sinh đang trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học bằng phương thức trực tuyến (hạn cuối 17h ngày 25/9) và điều chỉnh bằng phiếu (hạn cuối 17h ngày 27/9).

Nhiều trường ĐH có các phương thức xét tuyển từ học bạ, đánh giá năng lực đã công bố điểm chuẩn và thời gian xác nhận nhập học. Tuy nhiên, lượng trúng tuyển “ảo” từ các phương thức này quá nhiều, khiến các trường phải điều chỉnh chỉ tiêu xét từ kết quả tốt nghiệp THPT 2020.

Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn TP.HCM, năm nay trường tuyển 3.339 chỉ tiêu theo 4 phương thức. Trong đó, phương thức xét từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm 55-65% tổng chỉ tiêu (tối đa 2.170 chỉ tiêu). Tuy nhiên, mới đây trường này đã công bố điều chỉnh chỉ tiêu xét từ kết quả thi tốt nghiệp lên 2.855, chiếm 85% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Trúng tuyển 'ảo' quá nhiều, điểm chuẩn ĐH sẽ biến động thế nào?
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Thanh Tùng)

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, sau đợt xác nhận nhập học bằng các phương thức tuyển thẳng, xét học bạ và kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 là 2.325 chỉ tiêu, chiếm gần 65% tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020. Số chỉ tiêu này đã tới tăng 30% so với đề án công bố trước đó (khoảng 1.200 chỉ tiêu, chiếm 35% tổng chỉ tiêu).

Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trước đó đã gọi 2.500 thí sinh trúng tuyển theo các phương thức khác nhưng số thí sinh xác nhận nhập học chưa tới 30%. Do vậy, còn tới hơn 5.500 chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã gọi 2.000 thí sinh trúng tuyển từ học bạ và các phương thức xét khác nhưng chỉ khoảng 50% xác nhận nhập học. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã tăng chỉ tiêu xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 20 – 30% ban đầu lên tới 40% chỉ tiêu (2.320 thí sinh).

Ông Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho hay trường điều chỉnh chỉ tiêu xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 40% tổng chỉ tiêu ban đầu (1.400 chỉ tiêu) lên 70% (2.450 chỉ tiêu).

Các Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành…cũng tăng chỉ tiêu từ xét kết quả tốt nghiệp.

Điểm chuẩn sẽ biến động?

Ông Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận điểm số của thí sinh năm nay quá cao. Mức điểm trên 20 ở các tổ hợp môn thuộc khối A00, D01, B00 chiếm khoảng 70% số thí sinh đăng ký xét đại học. Với tình hình hiện tại, điểm chuẩn chắc chắn sẽ có biến động so với dự đoán trước đó.

Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, theo ông Sơn điểm chuẩn vẫn sẽ tăng ở những ngành Kinh tế, Công nghệ, Du lịch-dịch vụ vốn là thế mạnh. Các ngành như Điện tử, Cơ khí, Cơ điện tử,… vẫn giữ như năm 2019. Các ngành Khoa học thủy sản, Công nghệ vật liệu thì sẽ tiến tới xóa ngành vì không tuyển sinh được.

Ông Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho hay có thể thấy sau khi các trường điều chỉnh đề án tuyển sinh thì cơ hội còn lại cho các thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bẳng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất rộng mở. Tuy nhiên so với năm ngoái ngành nào điểm chuẩn tăng sẽ vẫn tăng, ngành điểm thấp vẫn thấp.

Theo ông Quán, ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, những ngành “hot” vẫn chỉ còn 35% chỉ tiêu cho xét từ kết quả tốt nghiệp, nên điểm chuẩn vẫn sẽ cao.

Trong khi đó, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Đỗ Văn Dũng lại cho rằng, do tăng chỉ tiêu theo phương thức xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT nên điểm chuẩn vào trường sẽ giảm so với dự kiến trước đó. Trước đó, trường gọi 2.500 thí sinh trúng tuyển các phương thức xét học bạ, ưu tiên xét tuyển…nhưng chỉ khoảng 30% nhập học.

“Nhiều chỉ tiêu lên thì điểm chuẩn sẽ giảm. Thay vì tăng so với năm ngoái 3 điểm thì giờ tăng khoảng 2- 2,5 điểm”- ông Dũng nói.

Trước đó, ông Dũng dự đoán tính điểm chuẩn năm nay bằng cách lấy điểm chuẩn năm 2019 và cộng thêm 3 điểm ở mỗi ngành (tăng khoảng 3 điểm). Hiện tại, ông Dũng dự đoán điểm chuẩn sẽ giảm so với dự đoán trước đó khoảng 0,5 điểm ở từng ngành.

Theo Báo Vietnamnet