Trường đại học siết chặt đầu ra sẽ hạn chế gian lận điểm thi

0
2647

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng biện pháp căn cơ để giảm tiêu cực trong thi cử là siết chặt đầu ra của các trường đại học.

Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, hàng loạt câu hỏi đặt ra khi thủ khoa các trường công an, quân đội là thí sinh Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn. Trước đó, gian lận điểm thi ở 2 tỉnh này chưa có kết luận cuối cùng, đồng nghĩa việc chưa thể trả lại điểm gốc cho thí sinh.

Một lần nữa, vấn đề chống gian lận thi cử, đặc biệt liên quan tuyển sinh vào trường đại học tốp đầu, lại được phân tích, mổ xẻ.

Cần siết chặt đầu ra

Bày tỏ lo ngại về chất lượng sinh viên, PGS.TS Bùi Thị An – đại biểu Quốc hội khóa XIII – cho rằng các trường đại học, trong đó có trường công an, quân đội, ngoài kiểm soát đầu vào cần siết chặt đầu ra. Chỉ có như vậy mới đánh giá được chính xác năng lực của học sinh.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi giáo viên là người công tâm, liêm khiết đánh giá điểm đúng năng lực. Nếu không, người gian lận thi cử sẽ có thể mua điểm và trở thành thủ khoa đầu ra. Muốn thực hiện điều này cần đặt trách nhiệm cho hiệu trưởng.

Với các trường đại học, trường quân đội, công an thuộc hệ dân sự, công việc của sinh viên khi ra trường sẽ chịu tác động của thị trường. Người có năng lực tốt sẽ được các công ty, doanh nghiệp nhận vào làm, người yếu kém sẽ bị đào thải.

Với những trường công an, quân đội hệ quân sự, sinh viên được phân công việc làm sau tốt nghiệp, bà An đề nghị cần siết chặt đầu ra. Nếu sinh viên cứ vào được là ra trường như hiện nay, được phân công việc ổn định, gian lận thi cử dễ xảy ra.

“Dư luận đang nghi ngờ việc thí sinh chạy vào trường rồi sau này tốt nghiệp là công chức, viên chức, không phát huy được hiệu quả, dẫn đến bộ máy phình to, biên chế lớn, công việc không đảm bảo”, bà An nói.

Đồng quan điểm trên ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT – cho hay giải pháp căn cơ để hạn chế gian lận thi cử là trường đại học siết chặt đào tạo. Đến thời điểm nào đó, quá trình tuyển sinh sẽ nhẹ nhàng. Học sinh con nhà giàu có thể vào học, nhưng sự sàng lọc khắt khe sẽ khiến những em yếu kém không ra được trường.

Ông Mai Văn Trinh muốn gửi thông điệp đến các trường đại học, ngoài việc nâng cao chất lượng, cần có sự đánh giá sao cho khách quan, chuẩn xác.

Đầu ra lỏng sẽ tạo hậu quả

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược, Bộ Công an, nhiều ngành học hiện nay khó xin việc, nhưng với quân đội, công an sẽ được đảm bảo việc làm sau khi ra trường. Ngoài ra, các ngành này được hỗ trợ học phí, môi trường an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin cho phụ huynh và học sinh.

Về kỷ luật, so với các trường khác, thí sinh học trường công an, quân đội được giám sát chặt chẽ. Sinh viên sinh hoạt theo tiểu đội, trung đội, được tạo điều kiện tốt cho học tập.

Thiếu tướng Cương đề nghị cần siết chặt đầu vào bằng cách các trường an ninh, quân đội đề xuất với Bộ Công an, Bộ GD&ĐT về rà soát thí sinh đã trúng tuyển. Đồng thời, các trường cần siết chặt đầu ra để không còn tình trạng cứ vào học là sẽ ra trường, tạo cơ hội gian lận cho điểm thi.

Đối với ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú – Phó hiệu trưởng nhà trường – cho hay đặc thù ngành Y phức tạp, gian nan, nhiều em thi đỗ nhưng không có năng lực, không theo học được, dễ bị loại ngay từ những năm đầu.

Ông Tú khẳng định nhà trường có hệ thống đảm bảo chất lượng và đánh giá năng lực sinh viên rất nghiêm túc và khách quan. Vì vậy, các thí sinh phải cân nhắc trước khi nộp hồ sơ vào trường.

Theo ông Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội – mỗi năm, trường đuổi học khoảng 700-800 em. Số sinh viên bị thôi học phần lớn do mải chơi chứ không phải chương trình quá khó. Ngoài ra, khi lên đại học, nhiều em được bố mẹ nuông chiều và có tâm lý xả hơi.

Ông Tớp khẳng định nhà trường không dễ dãi trong đào tạo, nếu không về lâu dài, chất lượng sinh viên của trường sẽ gây ra hậu quả.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều trường đại học, cao đẳng mải chạy theo việc mở rộng quy mô mà không chú trọng chất lượng đào tạo, khiến cử nhân tốt nghiệp hàng loạt nhưng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Theo thống kê, khoảng 200.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở Việt Nam trên dưới 4%.

Bàn luận về vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tăng cường đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Trường đại học không chỉ có trách nhiệm tuyển sinh đầu vào mà còn phải quan tâm đầu ra, có trách nhiệm với sinh viên mình đào tạo cũng như thị trường lao động.

Theo Zing