Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Nghệ An, mùa tuyển sinh ĐH năm 2018, toàn tỉnh có 860 học sinh đăng ký vào ĐH Y Hà Nội, 2.058 em vào ĐH Y khoa Vinh.
Nếu thống kê trên tất cả các địa phương, con số thí sinh đăng ký vào trường Y sẽ gây kinh ngạc.
Những năm gần đây, diễn ra tình trạng thí sinh “chen chân” ồ ạt vào các trường ĐH ngành Y, đẩy điểm trúng tuyển cao đến mức kịch khung, thậm chí có thí sinh 3 môn 29 điểm vẫn trượt ĐH. Đối với ngành Y, đây là cơ hội vàng để tuyển chọn những thí sinh có học lực tốt nhất, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ bác sĩ tương lai.
Tuy nhiên, với áp lực từ lượng đăng ký quá đông và cả mục đích lợi nhuận, một số trường tăng chỉ tiêu, mở rộng quy mô đào tạo, dẫn đến tình trạng bác sĩ được đào tạo ngày càng nhiều, trong khi nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh đã bão hòa.
Một giám đốc bệnh viện tuyến huyện tại Nghệ An cho biết cách đây chục năm, bói cũng không ra bác sĩ được đào tạo chính quy từ các trường ĐH lớn về bệnh viện tuyến huyện, nhưng nay đã có nhiều, và sắp tới sẽ phải cạnh tranh.
Nếu tình trạng đăng ký ồ ạt và chỉ tiêu đào tạo các trường ĐH Y vẫn duy trì như hiện nay, trong một tương lai gần sẽ xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa, hàng loạt bác sĩ chật vật tìm việc hoặc thất nghiệp. Điều này cũng tạo ra “bi kịch” không kém hiện tượng hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ sư phạm thất nghiệp hiện nay.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên, không phải do nghề y “phát đạt”, mà do đầu ra của các ngành nghề đào tạo khác đang “có vấn đề”, liên quan đến những khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp hiện nay.
Một nền kinh tế phát triển, cần sự đa dạng hóa, đồng đều giữa phát triển nhân lực các ngành nghề. Còn nếu đào tạo chỉ tập trung vào một số ngành thì đó là hiện tượng rất đáng lo ngại.
Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cần có sự phối hợp, rà soát nhu cầu nhân lực ngành y trong vòng 5-10 năm tới, để điều chỉnh quy mô đào tạo phù hợp, đào tạo gắn với sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực xã hội và tạo ra nhiều hệ lụy. Đừng để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng thực tế.
Theo Zing