Từ chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học: Đừng “tị nạnh” với thí sinh miền núi được cộng điểm

0
2037

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, điểm cộng vào đại học là cần thiết, song đã bộc lộ những bất cập, chưa tạo công bằng giữa các thí sinh.

Những ngày qua, câu chuyện hàng loạt thí sinh điểm cao, thậm chí 30 điểm vẫn trượt không đỗ vào nguyện vọng cao nhất khiến nhiều người tìm nguyên nhân từ chính sách cộng điểm, tiêu chí phụ. Nhiều người đặt câu hỏi, chính sách cộng điểm trong xét tuyển đại học đã tạo ra sự bất công, không còn phù hợp…

Chia sẻ về vấn đề cộng điểm trong xét tuyển đại học, PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cộng điểm ưu tiên là chính toàn hợp lý, vì các địa phương có điều kiện phát triển không đồng đều. Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều điểm cộng, cần giới hạn nếu không sẽ dẫn đến việc đào tạo kém chất lượng. Thay vì cộng gộp tất cả các điểm ưu tiên như hiện nay, nên cộng 1 điểm ưu tiên cao nhất.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, học sinh vùng sâu, vùng xa tốt nhất nên cho vào các trường dự bị để bồi dưỡng kiến thức, thay vì cộng nhiều điểm ưu tiên. Các trường đại học cũng cần mở rộng thêm các học bổng, hỗ trợ cho các sinh viên để tránh bỏ dở giữa chừng vì gia đình không kham nổi.

“Để tránh bỏ sót nhân tài, nếu số lượng các thí sinh có mức điểm tối đa 30 điểm, hay thiếu do tiêu chí phụ có thể kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu. Bên cạnh đó, điểm cộng nếu có, theo tôi không nên quá 10% tổng điểm xét tuyển và một thí sinh chỉ được cộng điểm cao nhất theo diện được hưởng. Nếu không kiểm soát được điểm ưu tiên sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực có thể xảy ra” – PGS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị.

Đồng tình với chính sách cộng điểm, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Việc cộng điểm cho thí sinh miền núi, vùng sâu vùng xa đã thực hiện từ nhiều năm nay. Đây là chính sách đúng đắn, nhân văn. Bởi, thí sinh miền núi có môi trường sống và học tập có nhiều khó khăn, thiếu thốn, khắc nghiệt hơn so với các bạn đồng bằng, thành phố”.

So sánh giữa học sinh miền núi và thành thị, PGS Cương cho hay, chất lượng giáo viên miền núi không được cao, cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn. Về kiến thức, học sinh miền núi không được đi học thêm, không được bồi dưỡng kiến thức nhiều như các thí sinh miền xuôi. Hàng ngày, ngoài học tập các em phải làm việc, lao động phụ giúp gia đình…

Dù đồng tình, song vẫn PGS Văn Như Cương chỉ ra những điều bất cập: “Đang có sự bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên hiện nay. Ngay tại trường Lương Thế Vinh, ở cơ sở nội thành nhiều em ở ngoại thành đến học nhưng không được cộng điểm. Còn cơ sở ngoại thành có những em nội thành học tập ở đó vẫn được cộng điểm. Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng, Bộ GD&ĐT cần có giới hạn số lượng ưu tiên các em miền núi và vùng sâu vùng xa”.

Trước những tranh cãi “nảy lửa” trên mạng xã hội giữa thí sinh, phụ huynh thành phố và khu vực nông thôn, miền núi, các chuyên gia giáo dục cho biết, trên thực tế chính sách ưu tiên, cộng điểm là hoàn toàn hợp lý, thí sinh thành phố không nên “tị nạnh” bởi học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn…

Để xảy ra tình trạng thí sinh được 29 – 30 điểm không đỗ lỗi là do đề thi THPT Quốc gia 2017 khá dễ, chưa phân loại được thí sinh dẫn đến lượng thí sinh điểm cao đổ dồn vào một vài trường. Bên cạnh đó, cộng điểm gộp lại cũng là một sự bất hợp lý vì số điểm cao nhất là 3,5 tới 6,5 điểm. Cần đưa điểm cộng về mức hợp lý, đúng đối tượng, phân chỉ tiêu cụ thể số lượng thí sinh được điểm cộng để tạo ra công bằng giữa các thí sinh.

24h