PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đề thi tốt nghiệp THPT vẫn có độ phân hóa; thí sinh chỉ nên đăng ký vừa đủ để tránh rủi ro.
Giải quyết bài toán lọc ảo
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, từ đó phân loại được HS (theo chuẩn đầu ra của giáo dục THPT). Trên cơ sở đó, các trường đại học có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển.
“Theo khảo sát của vụ chức năng và qua báo cáo nhanh của các trường gửi về, hầu hết các trường đều căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, dù tỷ trọng thí sinh trúng tuyển qua hình thức này có thể giảm so với năm trước. Nếu các năm trước tỷ trọng số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi THPT quốc gia ở mức cao hơn (ví dụ, trên 80% vào năm 2017, trên 70% năm 2018 và trên 60% năm 2019) thì năm nay tỷ lệ này dự báo sẽ vào khoảng 50%”, PGS Nguyễn Thu Thủy cho biết.
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, sau khi phân tích các thuận lợi, bất cập phát sinh, trên cơ sở đề nghị của các trường đại học, Bộ GD&ĐT đã quyết định lựa chọn phương án sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương hỗ trợ các trường và thí sinh trong khâu tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo như năm 2019.
Đây là quy trình có giá trị thực tiễn, ổn định được triển khai trong các năm 2018, 2019. Năm 2020 mục đích Kỳ thi THPT là xét tốt nghiệp, do đó, trường nào có nhu cầu thì vẫn có thể vào hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để khai báo thông tin tuyển sinh và lọc ảo. Phương án này sẽ giải quyết được khó khăn đối với các trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng.
Đó là giải pháp khi nhiều trường đại học không kịp xây dựng phần mềm lọc ảo, chưa có kinh nghiệm tổ chức nhập cơ sở dữ liệu thí sinh (từ khi đăng ký dự thi tốt nghiệp), vận hành hệ thống. Thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng…
Từ đó góp phần ổn định cả xã hội. Nhiều trường cũng có thể tuyển một số lượng chỉ tiêu hợp lý ngay từ đợt tuyển sinh đầu để duy trì về mặt tài chính và hoạt động chung ổn định cho nhà trường.
Về phía Bộ GD&ĐT, cũng sẽ hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy chế, để quy trình tuyển sinh cơ bản giữ ổn định. Qua đó giải quyết các bất cập từ vấn đề “thí sinh ảo” như gọi vượt chỉ tiêu, không đủ chỉ tiêu do thí sinh rút hồ sơ. Giải quyết được bài toán này sẽ giúp các trường bảo đảm chất lượng đào tạo, không phải tuyển sinh nhiều vòng, và không kéo dài thời gian tuyển sinh… Hệ thống xét tuyển thực hiện đồng loạt sẽ bảo đảm tính công bằng khi gọi thí sinh nhập học.
Tránh rủi ro khi xét tuyển
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, tình hình dịch bệnh đã buộc HS ở các địa phương phải học tập theo các phương thức khác nhau, chất lượng giáo dục không đồng đều. Việc giảm thời lượng, kiến thức và độ khó của các bài thi tốt nghiệp là phù hợp với bối cảnh và cần thiết để bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước.
Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam có thể vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19, nếu tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia như mọi năm (khoảng 40 – 50 nghìn cán bộ từ các trường đại học di chuyển đến các địa phương coi thi), sẽ không bảo đảm an toàn cho các thầy cô, thí sinh và xã hội do tập trung đông người. Vì vậy, ở thời điểm này, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT lấy an toàn sức khỏe của thí sinh và nhân dân đặt lên hàng đầu.
Đối với các thí sinh, PGS Nguyễn Thu Thủy nhắn gửi: Các em cần giữ gìn sức khỏe, đồng thời nỗ lực hết sức, không bỏ phí thời gian trong quá trình học tập, ôn thi. Hãy tự tin vào việc nắm chắc kiến thức, kỹ năng. Có rất nhiều con đường tới thành công. Các em hãy không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tận tâm, tận sức với mục tiêu của mình đã đặt ra.
“Ở thời điểm này, có thể các em đã xác định rõ ngành nghề yêu thích, trường đại học yêu thích. Các em không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng ở nhiều nơi khác nhau, chỉ nên đăng ký vừa đủ để tránh rủi ro. Đã từng xảy ra trường hợp 1 thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Điều này sẽ khiến các em bị phân tán nguồn lực, sự tập trung cần thiết để vào được ngành/trường mình mong muốn” – PGS Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo.
“Thí sinh nên dựa trên khả năng nguyện vọng sở thích/sở trường, có thể phát huy tốt trong lĩnh vực gì, điều kiện gia đình để lựa chọn ngành học phù hợp. Đặc biệt, các em phải bám sát, nắm bắt thường xuyên thông tin về phương án tuyển sinh của các trường trên website để đăng ký nộp hồ sơ tuyển sinh, tránh tình trạng bị trùng hoặc sai nguyện vọng”. PGS Nguyễn Thu Thủy
Theo Báo Giáo dục và Đào tạo