Tuyển sinh đại học năm 2020: Điểm chuẩn các trường “tốp đầu” có tăng?

0
1026

Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THTP đợt I năm 2020, nhiều trường đại học đã tổ chức các bài kiểm tra tư duy, năng lực, các điều kiện nhận hồ sơ… chính thức mở màn cho kỳ tuyển sinh đại học năm 2020 được đánh giá là sẽ vẫn sôi động như mọi năm.

 Tuyển sinh đại học năm 2020: Điểm chuẩn các trường “tốp đầu” có tăng?  - Ảnh 1.

Tuyển sinh đại học năm 2020 có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nhiều trường tổ chức thêm kỳ thi

Cuối tuần qua, trên 5.600 thí sinh đã thực hiện xong bài thi kiểm tra tư duy do Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội tổ chức tại hai điểm thi là Hà Nội và Thanh Hóa. Bài thi kiểm tra tư duy gồm có 3 phần là: Đọc hiểu, Toán trắc nghiệm và Toán tự luận; thời gian làm bài trong 120 phút. Điểm môn thi này kết hợp với điểm Toán – Lý, Toán – Hóa của các em thí sinh trở thành tổ hợp A19, A20 theo quy định của Bộ GD&ĐT. Theo đánh giá của các thí sinh dự thi bài kiểm tra tư duy tại Trường ĐH Bách khoa, đề khó hơn hẳn so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tuy nhiên, nhìn tổng quan đề thi hay, câu hỏi mới lạ và có vận dụng thực tế.

Nhận xét về đề bài kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các giáo viên tổ Toán (Hệ thống Giáo dục HOCMAI) cho biết, phần Đọc hiểu, điểm nổi bật là dung lượng rất dài (chiếm 15/22 trang) với 35 câu hỏi. Trong đó, 4 bài đọc với 4 chủ đề mang “màu sắc Bách khoa”, nội dung bám sát các ngành học của trường: Vật liệu quang hướng; Công nghệ thông tin; Môi trường và Phương pháp canh tác nông nghiệp. Phần Toán có nội dung kiến thức THPT và được yêu cầu ở các mức độ khác nhau từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo… Nhìn chung, phần Đọc hiểu rất dài, nội dung đề thi có nhiều câu hỏi ứng dụng thực tế.

Tương tự, gần 1.500 thí sinh đăng ký dự thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã bước vào bài thi Năng khiếu Báo chí. Bài kiểm tra năng khiếu do Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra đề và tổ chức chấm thi. Tổng thời gian làm bài thi Năng khiếu Báo chí là 150 phút. Ngành Báo chí gồm các chuyên ngành: Báo in; Ảnh báo chí; Báo phát thanh; Báo truyền hình (hệ chuẩn); Quay phim truyền hình; Báo mạng điện tử (hệ chuẩn), Báo truyền hình (chất lượng cao), Báo mạng điện tử (chất lượng cao).

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số trường đã lùi thời gian tổ chức thi riêng. Cụ thể, TS. Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, Ban Giám đốc, Hội đồng thi đánh giá năng lực đã thảo luận rất kỹ để đưa ra quyết định điều chỉnh ngày thi sang ngày 30/8 tại một số địa phương không có lệnh giãn cách xã hội. Kỳ thi đặt mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho thí sinh cùng thầy cô tham gia công tác thi. Trong 3 yêu cầu này, đảm bảo an toàn sức khỏe là yêu cầu quan trọng nhất. Kỳ thi cũng tăng cường các biện pháp an toàn sẽ được đảm bảo tối đa: Đo thân nhiệt, khử khuẩn ở các phòng thi, khẩu trang, bố trí các phòng thi dự trữ.

Điểm chuẩn dự kiến sẽ tăng?

Bên cạnh các trường có tổ chức thi riêng, nhiều trường không thi cũng đã sớm công bố điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển năm 2020 bằng phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Cụ thể, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội xét tuyển năm 2020 theo phương thức: Thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2020 phải có tổng điểm trung bình cộng 3 môn trong tổ hợp xét tuyển thuộc 5 học kỳ đầu tiên bậc THPT phải lớn hơn hoặc bằng 18,0 điểm; với mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển, các điểm thuộc học kỳ 1 lớp 11 (điểm học kỳ 3), học kỳ 2 lớp 11 (điểm học kỳ 4), học kỳ 1 lớp 12 (điểm học kỳ 5) phải lớn hơn hoặc bằng 5,0 điểm.

Ngoài ra, trường sẽ tổ chức xét tuyển đối với thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Theo đó, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành năng khiếu, không thể dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 nhưng vẫn tham dự thi năng khiếu (do đã hết hạn cách ly), nhà trường sẽ xét tuyển ngay sau khi các em có kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Điểm trúng tuyển được lấy như đối với thí sinh tốt nghiệp THPT đợt 1. Nếu thí sinh không tham dự được kỳ thi năng khiếu thì không xét tuyển năm 2020.

Với các trường “tốp đầu” có sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, theo ghi nhận, một số trường dự kiến điểm chuẩn sẽ ngang bằng hoặc tăng nhẹ so với năm trước. Chia sẻ thông tin, tư vấn cho các thí sinh tại buổi giao lưu trực tuyến “Hỏi – đáp tuyển sinh Đại học 2020” mới đây, GS-TS. Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, theo nhận định của các thầy cô giáo, phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ cao hơn năm ngoái đáng kể. Điểm trúng tuyển của Trường ĐH Y Hà Nội năm nay cũng không nằm ngoài xu hướng chung và sẽ cao hơn năm ngoái.

Về cơ hội của thí sinh vào Trường ĐH Y Hà Nội năm 2020, GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho biết: “Trường có rất nhiều ngành với các điểm trúng tuyển rất khác nhau. Thí sinh có thể tham khảo trên web của trường để có sự điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp. Ngoài cơ sở chính, trường có phân hiệu tại Thanh Hóa, đào tạo 2 mã ngành Bác sĩ Y khoa (đã đào tạo 5 năm) và Cử nhân Điều dưỡng. Chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, nội dung giảng dạy, giảng viên tham gia giảng dạy, lượng giá… như tại cơ sở chính. Điểm trúng tuyển đầu vào của phân hiệu có thể thấp hơn tối đa 3 điểm so với cơ sở chính”.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với xét tuyển đại học năm 2020, các trường điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường dự kiến trước ngày 8/9. Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển dự kiến từ ngày 9/9 đến 17h ngày 16/9 với hình thức trực tuyến. Từ 9/9 đến 18/9 với hình thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Dự kiến, các trường đại học công bố kết quả xét tuyển đợt 1 dự kiến trước 17h ngày 27/9. Thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 3/10 (tính theo dấu bưu điện). Từ 8/10 đến hết tháng 12/2020, các trường còn chỉ tiêu sẽ xét tuyển bổ sung.

Theo Báo Giáo dục và xã hội