Tuyển sinh ĐH 2020: Đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh

0
1163

Ngày 8/5, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh 2020 bằng hình thức trực tuyến với hơn 300 trường ĐH. Đại diện nhiều trường bày tỏ mong muốn đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới có sự phân hóa, việc tổ chức thi được giám sát chặt chẽ để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.

Khối y dược, giáo viên không tổ chức tuyển sinh riêng

Tại hội nghị, GS Tạ Thành Văn, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, phát biểu, trước khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế, các trường thuộc khối ngành sức khỏe dự tính tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã hoàn toàn yên tâm để xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo GS. Văn, quy chế thi năm nay đã thỏa mãn nhiều yếu tố về chuyên môn và yêu cầu xã hội. Vấn đề là làm sao để kỳ thi đạt được sự tin cậy và có chất lượng để các trường sử dụng xét tuyển. Có 2 việc quan trọng là coi thi và chấm thi năm ngoái đã làm rất tốt. Năm nay kỳ thi được giao về địa phương nên cần tăng cường giám sát, thanh tra để tránh những điều không mong muốn có thể xảy ra.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn, hiệu trưởng trường ĐH Y Dược TPHCM, bày tỏ mong muốn đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự phân hóa, việc tổ chức thi được giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh. Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho hay, Học viện sẽ không tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Học viện nghiêng về phương án tuyển sinh thông qua xét học bạ THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh. Trường ĐH Y – Dược, ĐH Thái Nguyên cũng thông tin, nhà trường chờ quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để “chốt” phương án tuyển sinh. Tuy nhiên, nhà trường cũng tính đến một số phương án, trong đó có xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và học bạ THPT.

Về phía khối trường sư phạm, GS.TS. Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định, năm nay trường tuyển sinh chủ yếu dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT bởi nhiều lý do. Sau khi xem đề tham khảo do Bộ công bố, nhiều giáo viên đánh giá tích cực, đề có sự phân hóa; đồng thời, việc tách đầu điểm các môn thành phần trong bài thi tổ hợp giúp trường dễ xét tuyển hơn. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không quá lo ngại về việc giao địa phương chủ trì tổ chức kỳ thi năm nay.

Theo ông Minh, nhiều người băn khoăn về quyết định này nhưng đây là giải pháp tốt trong điều kiện dịch bệnh. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT và các trường ĐH vẫn tham gia thanh tra, giám sát. Mặt khác, Bộ GD&ĐT hỗ trợ các trường trong quá trình xét tuyển như lọc ảo nên về cơ bản, mùa tuyển sinh năm nay sẽ như những năm trước.

Ông Đào Đăng Phượng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương, nói rằng, dù kỳ thi năm nay có thay đổi, trường không vướng mắc điều gì, vẫn giữ ổn định phương thức xét tuyển năm ngoái, lấy điểm các môn văn hóa dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tổ chức thi năng khiếu. Trường cũng có phần mềm riêng bên cạnh phần mềm của Bộ để lọc ảo nên sẽ duy trì xét tuyển như mọi năm.

Cần tăng cường giám sát kỳ thi tốt nghiệp THPT

Một đề xuất được các trường nhắc đến nhiều nhất tại hội nghị tuyển sinh là Bộ GD&ĐT cần tăng cường giám sát để đảm bảo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trung thực, công bằng với tất cả thí sinh. ĐH Thái Nguyên có 7 trường thành viên, trong đó có cả trường Sư phạm và Y Dược. Ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, khẳng định, các trường thành viên đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vì “tin đây là kỳ thi nghiêm túc”.

Theo ông Quang, đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT có sự phân hóa, giúp các trường có thể sử dụng kết quả để xét tuyển. Tuy nhiên, ông cho rằng, đề thi thật phần phân hóa có thể sâu hơn nữa. Ví dụ, những em được 5,5-6 điểm được công nhận tốt nghiệp, phần 6-10 điểm nên có những câu hỏi phân hóa để các trường có cơ sở rõ ràng hơn.

Trước ý kiến của các trường, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT, ông Mai Văn Trinh, nói rằng, nhiều giáo viên cũng đánh giá tích cực với độ phân hóa của đề thi tham khảo vừa được công bố. Đề thi chính thức sẽ rất sát với đề tham khảo này và có thể hỗ trợ phần lớn các trường ĐH trong công tác tuyển sinh nếu dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Các trường ĐH phải xác định đây là công việc chung và sẵn sàng tham gia cùng Bộ GD&ĐT.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông. Việc các trường sử dụng kết quả vào công tác tuyển sinh như thế nào thì phải chủ động, tính toán để việc đổi mới tuyển sinh không làm khó thí sinh, không lặp lại mô hình tuyển sinh đã trải qua trong chặng đường những năm 2013 trở về trước”, ông Trinh nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm nay, ngoài điều chỉnh một số nội dung về kỹ thuật, giảm bớt số lượng bài thi, về cơ bản, vẫn giữ ổn định như 2019. Bài thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, trên cơ sở đó, các trường ĐH vẫn có thể sử dụng để xét tuyển. Đây là kết quả của một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, có sự chuẩn bị kỹ càng, rút kinh nghiệm điều chỉnh từng năm với sự giám sát của lực lượng chức năng và toàn xã hội.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, ngoài yếu tố kỹ thuật, năm nay sẽ tăng cường thanh tra, giám sát. Năm 2019, Bộ huy động 50.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia. Năm nay, số cán bộ ĐH huy động giảm mạnh, chỉ còn giữ vai trò thanh tra, giám sát. Trách nhiệm của cán bộ thanh tra giám sát rất quan trọng.

Theo Báo Tiền Phong