Tuyển sinh năm 2020: “Điểm sàn” được xác định như thế nào?

0
1654

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ đại học, ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng.

 

Ảnh minh họa/internet Ảnh minh họa/internet

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định tại khoản 3, Điều 4 của Quy chế này.

Dự thảo Quy chế cũng quy định, nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển. Cụ thể: Việc công bố các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc:

Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp);

Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán, Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.

Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

Về tổ chức xét tuyển, Điều 10 của dự thảo có nêu: Nguyên tắc xét tuyển gồm: Thí sinh có đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 của Quy chế này và đáp ứng yêu cầu của trường có quyền ĐKXT;

Thí sinh được Đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này.

Đối với mỗi thí sinh, nếu ĐKXT vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan;

Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định Điều 7 của Quy chế này và được làm tròn đến hai chữ số thập phân; Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn;

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung, nếu có;

Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.

Trước ngày cuối của tháng 3, tháng 6, tháng 9, tháng 12 và lịch tuyển sinh đợt 1, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để loại số thí sinh đã nhập học này ra khỏi danh sách xét tuyển các đợt tiếp theo.

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Bộ GD&ĐT xây dựng, duy trì và vận hành Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin về: chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.