Kết quả điểm thi THPT quốc gia 2018 ở TP.HCM khiến dư luận ngạc nhiên khi có quá nhiều thí sinh bị điểm dưới trung bình, nhất là môn sử.
Trong đó, điểm thi THPT quốc gia môn sử gây nhiều ngạc nhiên nhất khi có đến 80,9% trong tổng số 27.883 thí sinh đạt điểm dưới trung bình.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên đã cho biết họ không bất ngờ, vì tỉ lệ thí sinh dưới trung bình quá cao đã phản ánh đúng thực trạng dạy và học trong trường phổ thông cũng như những nhược điểm của kỳ thi “2 trong 1”.
“Chỉ cần điểm 3 môn sử”
Không đánh giá đề dài hay ngắn, khó hay dễ, S. – học sinh ở ngoại thành TP.HCM – cho biết: “Em chọn tổ hợp KHXH để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT. Môn giáo dục công dân (GDCD) nhẹ nhàng nhất, dễ học hơn lịch sử và địa lý. Do đó, em đầu tư cho môn GDCD nhiều nhất. Kế đó là môn địa lý vì dù sao cũng có atlat để làm bài.
Cũng với lý giải tương tự, M. – nam thí sinh ở quận Gò Vấp – chia sẻ: “Em đặt ra mục tiêu chỉ cần tối đa 3 điểm môn sử là đỗ tốt nghiệp THPT vì điểm trung bình cả năm lớp 12 của em là 7,1.
Ngay cả hai môn còn lại trong tổ hợp là địa và GDCD, em cũng chỉ cần mỗi môn 3 điểm nên không cần phải dành quá nhiều thời gian cho nó. Cả năm học, em ráng sức và tập trung thời gian cho ba môn toán, văn, tiếng Anh vì em dùng điểm thi của ba môn này để xét tuyển vào ĐH”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Viết Đăng Du – tổ trưởng tổ sử Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM – thừa nhận: “Tôi không ngạc nhiên với kết quả chỉ có 19,1% học sinh ở TP.HCM đạt điểm trên trung bình môn sử, bởi chỉ cần môn sử không bị điểm liệt là có thật và là suy nghĩ của nhiều học sinh không chọn môn sử để xét tuyển vào ĐH.
Trường tôi có 3 lớp chọn thi tổ hợp KHXH, nhưng số học sinh chọn môn lịch sử để xét tuyển vào ĐH chưa tới 10 em. Như vậy, chỉ có gần 10 em này mới bỏ công sức để học và thi môn lịch sử sao cho đạt điểm cao”.
Cơ chế thi khiến thí sinh học lệch
Nhận định về thi môn sử năm nay, ông Du cho rằng đề dễ hơn và rõ ràng hơn năm ngoái. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác khiến điểm môn sử thấp là do nhiều giáo viên vẫn còn dạy theo kiểu cũ với các sự kiện trọng tâm theo kiểu làm bài tự luận. Trong khi đó, đề thi trắc nghiệm dàn trải hết chương trình chứ không nhắm vào phần nội dung trọng tâm nào cả.
Nguyên nhân tiếp theo là chương trình môn sử quá dài và quá nặng, so với GDCD và địa lý thì kiến thức môn lịch sử nhiều hơn và khó nhớ hơn. Em nào không chọn lịch sử để xét tuyển vào ĐH đã bỏ bê môn này ngay từ đầu năm học lớp 12.
Trong tổng số 27.883 thí sinh dự thi môn sử ở TP.HCM, chỉ có 16 thí sinh dưới 1 điểm. Trong tỉ lệ 80,9% điểm dưới trung bình thì số thí sinh đạt từ 1,25 đến 3 điểm là 7.296 em; đa số thí sinh còn lại đạt từ 3,25 đến 4,75 điểm. Ông Du cho rằng: “Điểm môn sử thấp không phải học sinh dốt sử mà là các em không thèm học”.
Đồng tình với ý kiến trên, cô Hoàng Thị Thu Hiền – giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM – đánh giá: “Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở TP.HCM cho thấy học sinh đang học lệch và học theo kiểu thực dụng: học để thi chứ không phải học để biết, học để chung sống… Thực trạng này không chỉ xảy ra ở TP.HCM”.
Trên thực tế, kỳ thi THPT quốc gia với cơ chế như hiện nay đã cho phép thí sinh học lệch. Các em chỉ học những gì mình cần để đi thi, những môn không thi hoặc không cần điểm cao sẽ bị bỏ bê hoặc học cầm chừng để đạt điểm trung bình.
Một giáo viên môn sử ở nội thành TP.HCM kể: “Cả khối 12 trường tôi chỉ có 2 thí sinh chọn môn lịch sử để xét tuyển vào ĐH. Bản thân tôi từng bật khóc khi vào lớp giảng bài nhưng học sinh thì cứ cắm cúi xuống gầm bàn để giải bài tập toán, lý, hóa.
Buồn thì có buồn nhưng không thể giận, không thể trách học sinh được. Một kỳ thi quan trọng của cả đời người, các em phải đầu tư cho những môn thi các em cần chứ”.
Cô Thu Hiền lo lắng: “Nếu cứ thi cử như thế này thì môn sử sẽ còn bị điểm thấp dài dài. Nhiều học sinh cũng thích sử, nhưng môn lịch sử lại không dùng để xét tuyển vào ĐH được”.
Điểm thấp là tất yếu
Chiều 9-7, khi trả lời báo Tuổi Trẻ, đa số giáo viên môn toán, lý, hóa, sinh ở TP.HCM đã cho rằng điểm thi các môn khoa học tự nhiên ở TP.HCM thấp là tất yếu trong tình hình thi cử như hiện nay.
“Bởi kỳ thi “2 trong 1” với 2 mục tiêu khác hẳn nhau thì rất khó đạt được như ý muốn. Đó là chưa kể những nhược điểm của đề thi môn toán, lý, hóa, sinh.
Thứ nhất là độ phân hóa thí sinh không đều và giảm hẳn so với kỳ thi tuyển sinh ĐH trước đây. Thứ hai là nhược điểm của đề thi trắc nghiệm năm nay: đề trắc nghiệm mà có những câu hỏi tự luận.
Một đề thi đạt chuẩn phải là đề thi để những học sinh giỏi có khả năng giải quyết được trọn vẹn đề thi, không dựa vào yếu tố may rủi. Rất tiếc đề thi toán, lý, hóa, sinh năm nay đã không đạt được tiêu chí này. Xác suất của đề thi trắc nghiệm là trong số 1.000 em sẽ có 1 em đánh đúng cả 5 câu hỏi khó nhất của đề.
“Một kỳ thi có dùng kết quả để xét tuyển vào ĐH thì đề thi phải kết hợp nhiều hình thức: trắc nghiệm khách quan, tự luận, chứ nếu trắc nghiệm 100% thì khó đạt được yêu cầu chọn người đủ năng lực vào học ĐH” – một giáo viên môn toán ở TP.HCM nhận định.
Theo Tuổi Trẻ