Tại buổi tọa đàm ‘Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số’ do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Trường ĐH Sài Gòn vào chiều 2.5, nhiều ý kiến đã cho rằng Việt Nam hiện nay vẫn còn đang dạy cái thế giới không còn dạy.
Kiến thức rất cũ và thiếu tính thực tế
PGS-TS Phạm Thế Bảo, giảng viên khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ nhiều tâm tư về việc dạy học tin học trong trường phổ thông hiện nay.
Ông Bảo nói: “Môt số giáo viên dạy tin học trường phổ thông cho tôi biết họ đang dạy môn ngôn ngữ lập trình Pascal, trong khi trên thế giới không còn nơi nào dạy chương trình này. Tuy nhiên họ không dám đổi chương trình, nếu đổi thì sẽ bị kỷ luật”.
Cũng theo ông Bảo, sinh viên năm nhất ngành công nghệ thông tin còn ngán môn lập trình trong khi chúng ta lại đưa vào dạy học sinh phổ thông như cơ sở dữ liệu, truy vấn dữ liệu… Điều này làm cho học sinh rất sợ môn học này.
Ông Bảo cho rằng cần có lộ trình và chính sách phù hợp với 2 môn học chìa khoá mở cửa công nghệ số là công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Ví dụ như ở Nhật Bản, học sinh lớp 2 bắt đầu học ngoại ngữ, lớp 4 bắt đầu học lập trình nhưng cách dạy của họ khác mình. “Chúng ta cần xem lại chương trình vì kiến thức chúng ta dạy đang rất cũ và thiếu tính thực tế”, ông Bảo nhấn mạnh.
Giả bộ không thấy để các trường dạy cái mới
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ: “Có ý kiến phê bình đến thời điểm này trường học vẫn dạy ngôn ngữ Pascal nhưng nói thật có những thời điểm chúng tôi giả bộ như không thấy, không biết để các trường được dạy chương trình mới. Dù bỏ qua nhưng trong văn bản vẫn phải phê bình các trường chứ không thể làm khác quy định của Bộ”.
Liên quan đến dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông, theo ông Hiếu, dù chương trình phổ thông mới đưa ngoại ngữ vào dạy từ lớp 3 nhưng TP.HCM đưa vào dạy lớp 1 từ 20 năm trước. Tuy nhiên hiện nay giáo viên người Việt dạy tiếng Anh trong trường học chỉ được phép trả 10% lương so với giáo viên người nước ngoài, khoảng 2,5-3 USD/giờ. “Chính vì vậy giáo viên ngoại ngữ của chúng ta, dù yêu nghề nhưng chấp nhận không dạy trong trường mà chuyển qua các trung tâm lớn và điều này rất khổ cho các trường”, ông Hiếu tâm tư.
Trong khi đó PGS-TS Kiều Phương Chi, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng với cách kiểm tra, đánh giá như hiện nay thì chương trình phổ thông mới không đạt yêu cầu, ít nhất với môn toán.
“Hiện nay gần như chúng ta chỉ mới quan tâm đến chương trình và sách giáo khoa, không quan tâm tới kiểm tra đánh giá. Nếu như vậy rất khó thành công. Cần có kế hoạch về thay đổi kiểm tra, đánh giá”, tiến sĩ Phương Chi đề xuất.