Xóa khoản vay tín dụng cho sinh viên sư phạm làm đúng ngành

0
2263

Theo nội dung sửa đổi của Luật giáo dục, sinh viên học sư phạm đã vay tín dụng để đóng học phí và chi trả phí sinh hoạt sẽ được xóa khoản vay này nếu làm việc trong ngành giáo dục khi tốt nghiệp.

Trước thực trạng nhu cầu thị trường lao động có nhiều thay đổi, đặc biệt sinh viên sư phạm tốt nghiệp làm trái ngành hoặc thất nghiệp vẫn còn nhiều gây khó khăn là lãng phí lớn cho ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đưa ra thay đổi về quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm để thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm.

Theo đó, học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Chính sách mới không chỉ giúp sinh viên có đủ tài chính để đóng học phí và chi trả phí sinh hoạt trong suốt thời gian theo học, giảm bớt gánh nặng tài chính rất nhiều so với quy định chỉ miễn học phí như trước kia. Về phía nhà trường, sinh viên đóng học phí đầy đủ sẽ giúp nhà trường có nguồn thu trực tiếp để chủ động trang trải chi phí.

Đồng thời, theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, không còn tình trạng hỗ trợ kinh phí cho những người được đào tạo sư phạm nhưng ra trường đi làm ngành nghề khác, làm chính sách hỗ trợ không hiệu quả.

Các trường được tự xây dựng mức học phí

Trong dự thảo Luật Giáo dục cũng đã sửa đổi quy định về mức học phí hiện nay. Theo đó, cho phép các cơ sở giáo dục ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí.

Các cơ sở giáo dục công lập được cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao và chủ động xây dựng mức thu học phí tương xứng.

Đồng thời, để hạn chế tình trạng các cơ sở giáo dục ngoài công lập, mô hình chất lượng cao tăng học phí tùy tiện, Dự thảo bổ sung quy định yêu cầu các cơ sở giáo dục này phải thực hiện công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và lộ trình thu học phí cho cả khóa học, cấp học.

Bộ GD&ĐT cho biết, trước đây học phí là một loại phí thuộc ngân sách nhà nước, cơ chế thu, quản lý, sử dụng học phí thực hiện theo Pháp lệnh phí và lệ phí, theo đó học phí phải được ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước và phải nộp vào kho bạc nhà nước để theo dõi, quản lý theo quy định.

Tuy nhiên, năm 2015 Quốc hội đã ban hành Luật phí, lệ phí, trong đó bỏ học phí ra ngoài danh mục phí, lệ phí do nhà nước quản lý, và coi học phí là giá dịch vụ giáo dục và đào tạo.

Theo đó, học phí thuộc phạm vi điều chỉnh bởi Luật Giá, và cơ chế thu, quản lý sử dụng học phí được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá và được tính đúng tính đủ. Vì vậy, cần phải sửa đổi quy định về học phí cho phù hợp với Luật Giá.

Theo Dân trí