Xu hướng việc làm mới đối với sinh viên sư phạm

0
1725

Thay vì lựa chọn những trường công lập để được một suất biên chế ổn định, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm ngày nay đã có những con đường khác.

So với nhiều năm trước, sinh viên sư phạm ngày nay tư duy đã đổi mới hơn rất nhiều.

Không bó buộc vào câu chuyện ra trường, về địa phương nộp hồ sơ vào một trường công lập để đi dạy, dạy vài năm hợp đồng rồi sẽ thi công chức, viên chức, được vào biên chế nhà nước và sống một cuộc đời an nhàn, nhiều sinh viên ra trường ngày nay đã năng động hơn để đón những cơ hội hấp dẫn hơn và nhiều sắc màu hơn.

Biên chế không còn là “miền đất hứa”

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, từ ngày 01/7/2020, tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng lao động làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Như vậy, có thể thấy, chế độ biên chế suốt đời hiện nay ở các ngành có thể bị xóa bỏ.

Đây cũng chính là nỗi lo lắng của nhiều sinh viên ngành sư phạm khi lựa chọn theo nghiệp “gõ đầu trẻ” với mong muốn tìm được công việc ổn định sau khi ra trường.

Và cũng với dự thảo này, có thể thấy, nhân sự ngành giáo dục công lập và tư nhân sẽ có những nét tương đồng nhau về chế độ đãi ngộ. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là những thách thức không hề nhỏ cho những người theo đuổi nghề giáo trong tương lai.

Có một thực tế, hiện vẫn còn không ít gia đình và học sinh lựa chọn theo ngành sư phạm với mong muốn sau này sẽ có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống nhàn nhã.

Bởi vậy, dự thảo này giống như “một cú đánh” với những người an phận thủ thường, nhiều sức ì, không chịu đổi mới, rèn luyện bản thân trong quá trình làm nghề.

Một khi biên chế đã không còn là “miền đất hứa”, là sự đảm bảo cho một sự “ổn định lâu dài”, sinh viên ngành sư phạm ra trường sẽ cần năng động hơn, sáng tạo và nỗ lực hơn để tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp trong ngành giáo dục.

Nhưng cũng có thể từ đó, nhiều sinh viên sư phạm có lẽ sẽ “khai phá” được bản thân nhiều hơn khi đầu ra trở nên cởi mở hơn, không chỉ nhất nhất nghĩ về con đường “cố vào biên chế” như trước.

Hơn hết, trong thời đại 4.0, đừng bao giờ để “biên chế trọn đời” trở thành “hòn đá tảng” ngăn trở những người trẻ được thỏa sức phát triển bản thân và tạo nên một diện mạo mới cho nền giáo dục của nước nhà trong tương lai.

Còn nhiều cánh cửa rộng mở chào đón

Nếu không đi dạy với biên chế nhà nước, sinh viên sư phạm có thể làm gì và làm sao để đảm bảo cuộc sống tốt nhất?

Thực tế hiện nay, ngoài việc trở về địa phương và tham gia giảng dạy tại các trường phổ thông, đại học, cao đẳng theo diện ký hợp đồng giống như những nhân sự tại các doanh nghiệp thì sinh viên sư phạm còn rất nhiều cánh cửa khác chào đón tại các doanh nghiệp tư nhân đang kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.

Những năm gần đây, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã bắt đầu chú trọng vào việc đầu tư cho giáo dục.

Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn xây dựng được cả một hệ sinh thái toàn diện với quy mô và chất lượng giáo dục được nâng cao, có nhiều sáng tạo trong việc áp dụng các mô hình giáo dục hiện đại, tiệm cận được với trình độ của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Có thể kể tới những tên tuổi lớn đi đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục như: Vingroup với Vinschool, VinUni, TH True Milk với TH School, Egroup với những trường mẫu giáo tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu như: Dongsim, Steame và hàng trăm trung tâm tiếng Anh cao cấp (như: Apax English – Apax Leader) cùng một loạt những dự án giáo dục có tầm…, FPT với các trường học về công nghệ như: FPT Arena…

Sau nhiều năm triển khai, mô hình giáo dục tư nhân đã chứng tỏ được vị thế nhất định khi thu hút được hàng triệu học sinh, sinh viên theo học tại các cấp.

Sự phát triển mạnh mẽ của những doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực giáo dục thực sự là cơ hội lớn cho sinh viên sư phạm các ngành trong thời điểm hiện nay.

Bởi vậy, chỉ cần thêm một chút năng động với tư duy hội nhập, sinh viên ra trường hoàn toàn không phải lo lắng và ám ảnh bởi hai chữ “biên chế” đã ăn sâu nhiều đời nay trong lĩnh vực giáo dục.

Thêm một lợi thế mà sinh viên sư phạm 4.0 ắt hẳn sẽ lấy làm mừng là hiện nay, nhiều tập đoàn lớn cũng đã chủ động phối hợp với các trường đại học, tận dụng những tiềm năng, lợi thế của mỗi bên để cung cấp các dịch vụ giáo dục chất lượng cao (đào tạo, chuyển giao, nâng cao chất lượng giáo viên, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên ra trường có việc làm trong môi trường năng động, sáng tạo và chế đỗ đãi ngộ tốt).

Với sinh viên ngành sư phạm họ hoàn toàn có thể tranh thủ nắm bắt những cơ hội mới, hoàn thiện các kỹ năng để được làm việc trong môi trường của các doanh nghiệp tư nhân về giáo dục.

Và nếu thực sự đam mê ngành sư phạm và mong muốn hướng tới một nền giáo dục phát triển toàn diện, sinh viên sư phạm cần lắm việc thay đổi tư duy, đừng để những lối mòn cũ làm cản trở con đường rộng mở của mình.

Theo GiaoducVietNam