“Tuyển tập” những thắc mắc phổ biến nhất về ngành công nghệ thông tin hiện nay

0
816

Ngành Công nghệ thông tin (CNTT) là một ngành hết sức “kỳ cục”, vì nếu nhiều ngành khác còn có thời kỳ “hot” hay lúc “hạ nhiệt”, thì CNTT cứ đều đặn giữ vị trí hàng đầu – cả về số thí sinh quan tâm lẫn về nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động hiện nay.

Có phải bạn cũng đang cân nhắc chọn ngành Công nghệ thông tin? Thế thì hãy dành thời gian tìm hiểu ngành này (kể cả những “mặt trái”) qua tuyển tập những thắc mắc phổ biến nhất dưới đây nhé!

Thắc mắc 1: Chưa biết lập trình thì có học ngành CNTT được không?

Câu trả lời là “Có”, chắc chắn rồi! Sinh viên CNTT sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về công nghệ, kỹ thuật lập trình trước khi đào tạo chuyên sâu về công nghệ phần mềm, mạng máy tính, hệ thống thông tin… rồi mới đến các đồ án, dự án. Thế nên, bạn hoàn toàn có thể chọn ngành CNTT mà không cần phải là “siêu coder”.

Nhìn qua tổ hợp xét tuyển cũng có thể thấy điều này: Ngành CNTT không yêu cầu “lập trình đầu vào”. Các tổ hợp xét tuyển CNTT ở các trường thường là (Toán, Lý, Hóa), (Toán, Lý, Anh), (Toán, Văn, Lý), (Toán, Văn, Anh). Vậy thì năng lực học tập các môn tự nhiên, nhất là Toán khá tốt là có thể xét tuyển CNTT rồi!

Thắc mắc 2: Thích chơi game thì có học ngành CNTT được không?

Oh… thật ra thì game và CNTT cũng không liên quan mấy (!). Khi chơi game bạn tập trung thực hiện nhiệm vụ để “lên level”, còn khi học CNTT bạn “nạp” cả một hệ thống kiến thức rất nhiều khi không hề “dính” đến game. Nhưng nếu là chơi game, khám phá các logic và công nghệ tạo nên game, nghĩ cách tạo game mới… – biểu hiện của tinh thần “nhạy công nghệ” – thì hết sức hợp lý để học CNTT.

Thành viên nhóm giải Nhất khối Mã nguồn mở Olympic Tin học toàn quốc 2018 – Nguyễn Anh Khôi (sinh viên CNTT HUTECH) chia sẻ: “Mình rất thích game, có thể nói là mê game. Mình cũng mong muốn góp phần tạo ra nền công nghiệp game lành mạnh, phát triển… nên học CNTT là quá hợp lý. Khi có đam mê thì việc học hành nhẹ hơn, thú vị hơn nhiều!”.

Thắc mắc 3: Nghe nói CNTT rất rộng, vậy làm sao biết nên chọn chuyên ngành nào?

Đúng là ngành CNTT bao quát một phạm vi rộng, nhưng bạn không cần quá lo lắng về chuyện chọn chuyên ngành vì việc này thường ở cuối năm thứ 2, khi bạn đã ít nhiều “lăn lộn” với ngành. Ngoài ra, nếu chọn những trường đại học định hướng đào tạo thực tiễn thì bạn còn “phải” trải nghiệm thực tế, đi thực tế kiến tập tại doanh nghiệp như FPT Softwares, CMC Telecom, Fujinet, TMA Solutions…

Thắc mắc 4: Nếu con gái học ngành CNTT thì cơ hội nghề nghiệp cao không?

Những tố chất nổi bật cần thiết cho ngành CNTT là tư duy logic tốt, khả năng sáng tạo, nhạy bén với công nghệ, ham học hỏi và kiên trì, nhẫn nại. Chỉ thế thôi, hoàn toàn không liên quan đến chuyện nữ hay nam. Thế nên, bạn nữ nếu học tốt ngành CNTT thì cơ hội nghề nghiệp hoàn toàn bình đẳng với các bạn nam.

Thêm vào đó, ngành CNTT ngày nay không chỉ gắn với máy tính mà còn phải giao tiếp, làm việc nhóm… để thực hiện các dự án lớn, đòi hỏi nhiều nhân lực. Bạn nữ với sự tỉ mỉ, nhẫn nại và khả năng giao tiếp tốt không chỉ có thể làm công nghệ mà còn có khả năng giữ vị trí điều phối, quản lý dự án. Và ngành nào cũng thế, càng hiếm lại càng quý!

Thắc mắc 5: Ngành CNTT bây giờ rất “hot”, nhưng nhiều người học thế thì ra trường có dễ tìm việc không?

Đừng lo lắng về vấn đề này nhé! Theo thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2020-2025 cần thêm đến 16.000 lao động CNTT mỗi năm. Hầu như mọi tập đoàn công nghệ hiện nay đều trong tình trạng thiếu hụt nhân lực CNTT, nhất là đội ngũ kỹ sư IT được đào tạo bài bản, năng động và nhạy bén. Nếu bạn tự tin mình có thể đáp ứng những tiêu chuẩn đó thì ngại gì nữa, học ngay thôi!

Theo Kenh14