Thủ khoa khối C muốn trở thành giáo viên Văn

0
1196

Được truyền cảm hứng từ cô giáo Văn lớp 6, Hoàng Thị Thái Bảo ấp ủ mơ ước làm giáo viên nên chuyển khối thi đại học từ D1 sang C.

Từ trưa 14/7, Hoàng Thị Thái Bảo (cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) liên tục nhận điện thoại chúc mừng từ người thân, thầy cô và bạn bè về thành tích điểm khối C cao nhất cả nước kỳ thi THPT quốc gia. Môn Ngữ văn của em đạt 9,25; Địa lý và Lịch sử mỗi môn 9,75, tổng điểm 28,75.

Khá tự tin về điểm số mình sẽ đạt được, song từ đêm hôm qua cả gia đình Bảo vẫn ngồi canh máy tính để xem điểm. Thức tới 3h chưa có kết quả, Bảo đành đi ngủ và tới hơn 6h thức dậy xem, cả nhà đã ôm nhau hạnh phúc.

“Em bất ngờ về tổng điểm và vị trí thủ khoa khối C cả nước, bởi lúc thi xong tự chấm chỉ được 27,5 đến 28. Tưởng điểm chưa chính xác, em dùng một máy tính khác và một địa chỉ truy cập nơi khác để đối chiếu”, Bảo cười nói.

Hoàng Thị Thái Bảo chụp ảnh trong lễ tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC

Hoàng Thị Thái Bảo chụp ảnh trong lễ tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC

Được truyền cảm hứng học Văn từ một cô giáo năm lớp 6, Bảo âm thầm dành nhiều thời gian cho môn này. Cũng từ ngày đó, em ước mơ trở thành giáo viên Văn song chưa dám tâm sự với ai. Cho tới khi học gần hết lớp 10, đang đầu tư theo học khối D1 (Toán, Văn, Anh), em tự nhận thấy đây không phải là sở trường nên xin phép bố mẹ cho chuyển sang khối C.

Chuyển khối muộn so với các bạn, song nữ sinh không quá áp lực. Ngoài thời gian lên lớp để học các môn theo quy định, Bảo tự chia thời gian biểu một cách linh hoạt. Có những chủ nhật sáng em học Văn, chiều học Sử và ban đêm học Địa; hoặc có những ngày chỉ học một môn nếu thấy cần và có hứng…

Bảo không học thuộc lòng máy móc các số liệu trong sách. Với môn Sử, khi học xong một bài em cố gắng ghi nhớ những mốc lịch sử là gì, câu chuyện thế nào để từ đó móc xích với bài tiếp theo, hoặc bài trước đó để thành chuỗi kiến thức. Bảo rất thích xem phim tài liệu về chiến tranh trong nước và thế giới.

Với môn Ngữ văn, nữ sinh chia sẻ phải đọc kỹ tác phẩm, gạch ý để phân tích. Cách gây cảm hứng là “cả nghĩ cả viết chứ không phải đọc thuộc”.

Trước kỳ thi THPT quốc gia, nữ sinh Nghệ An tự mua và sưu tập nhiều sách có bộ đề thi thử để ôn luyện. “Học và tự luyện đề một mình là cách em thấy hiệu quả hơn là học nhóm. Khi bấm giờ làm bài mình sẽ đối chiếu kết quả. Nếu là Văn thì cần tham khảo thêm ý kiến của cô giáo”, Bảo nói.

Để đảm bảo sức khỏe, nữ sinh Nghệ An dành nhiều thời gian giải trí và nghỉ ngơi. Có năng khiếu múa hát nên ở trường em thường tham gia vào các buổi biểu diễn văn nghệ. Năm lớp 11, nữ sinh đạt giải nhất môn đá cầu đơn nữ và đôi nam – nữ trong một cuộc thi cấp thành phố.

“Em vẫn dùng mạng xã hội để giải trí, giao lưu bạn bè, song phải tự kiềm chế để không quá tốn thời gian hay ảnh hưởng tới học tập”, Bảo nói. Với điểm số đạt được, em sẽ xét tuyển vào ngành sư phạm Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hoàng Thị Thái Bảo. Ảnh: NVCC.

Thái Bảo là Phó bí thư Đoàn lớp 12C1 trường Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: NVCC.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (mẹ nữ sinh) tâm sự, Bảo là con gái thứ hai trong gia đình có ba chị em. Từ bé, con gái luôn thể hiện sự chỉn chu và ham học hỏi, rất ít khi bố mẹ phải bận tâm hay gây sức ép trong học tập mà luôn cố gắng tạo tâm lý thoải mái cho con.

“Có những lúc thấy con học nhiều giờ liền, tôi lại bảo hay đạp xe ra công viên đi dạo, hít thở không khí để thư giãn mắt”, bà Hương nói.

Cô Ngô Thị Thu Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 trường Chuyên Phan Bội Châu, nhận xét Bảo thông minh, đa tài, năm lớp 11 từng đạt giải ba học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh.

“Là phó bí thư lớp, Bảo có thể tự dàn dựng các tiết mục văn nghệ. Tham gia nhiều hoạt động xã hội nên em được kết nạp Đảng khi đang học lớp 12”, cô Hiền nói.

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có 33 em đạt điểm 10 ở kỳ thi THPT quốc gia 2019. Tỉnh cũng có 126 điểm liệt ở nhiều môn, trong đó môn Toán 20 em; Lịch sử 17; Hóa 11; Sinh 8…