Chiều 11/3, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP về việc duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Sở GD-ĐT, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đã trình bày những kế hoạch tổng thể, cụ thể của ngành trong năm 2021; Đồng thời đưa ra những kiến nghị với trung ương, UBND TP nhằm “tháo gỡ” các vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Cụ thể, ngành GD-ĐT đề xuất TP kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm sửa đổi Thông tư 16/2017 về ban hành danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập, phù hợp với Nghị quyết 102 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Đặc biệt, quan tâm giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Nhạc, Mỹ thuật…
Hiện nay, do vướng Thông tư 16, các trường học ở TP.HCM rất khó tuyển nhân viên y tế, giáo viên tiếng Anh, Tin học, Công nghệ…
Sở GD&ĐT TP cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn bằng văn bản, làm cơ sở pháp lý xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận, xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.
Kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh các quy định liên quan đến trường mầm non trong Thông tư số 13/2020. Cụ thể, quy định về diện tích đất/trẻ tối thiểu của trường mầm non 10-12 mét vuông không phù hợp tình hình TP. Sở này kiến nghị giữ nguyên mức 8 mét vuông/trẻ.
Sở GD-ĐT TP cho rằng quy định trường mầm non có tối thiểu 9 nhóm, lớp không phù hợp với các thành phố lớn. Do đó, kiến nghị giữ nguyên quy định các nhóm – lớp mầm non có từ 70 trẻ trở xuống, nhiều hơn phải xây dựng trường mầm non, nhằm khuyến khích xây trường để nâng chất lượng và tăng hiệu quả quản lý.
Đối với UBND TP, Sở GD-ĐT kiến nghị sớm giải quyết chế độ hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu công nghiệp – khu chế xuất. Do dịch Covid-19, năm học 2019 – 2020 kết thúc chậm, các địa phương khó khăn trong thống kê giờ công, nên đề xuất thực hiện chế độ bị chậm.
Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị UBND TP sớm chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về tuyển dụng nhân viên y tế và kế toán trường học.
Tại buổi làm việc, Sở GD-ĐT cũng xin UBND TP tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, như chỉ đạo TP Thủ Đức và các quận huyện phải quan tâm xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học với lộ trình và các giải pháp cụ thể, phải thực hiện việc quy hoạch mạng lưới trường lớp song song với quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế – xã hội.
Sở cho rằng đây là giải pháp nền tảng để thực hiện yêu cầu 100% học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được học 2 buổi/ngày và giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp vẫn còn diễn ra cục bộ.
Đồng thời kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ giải quyết khó khăn khi tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, Tin học (cấp tiểu học), và yêu cầu các trường phổ thông đẩy mạnh dạy các môn năng khiếu, nhạc, họa…
Bên cạnh những kiến nghị, tại buổi làm việc, đại diện các sở ban ngành như Sở Y tế, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch Đầu tư, Ban Tuyên giáo, MTTQ… cũng đều có những ý kiến đóng góp để Sở GD-ĐT hoàn thiện kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2021.
Theo GD&TĐ