Đổi mới công tác tuyển sinh: Tạo thuận lợi cho thí sinh và xã hội

0
924

Các chuyên gia cho rằng, ổn định công tác tuyển sinh trong năm 2022 là cần thiết.

 

Hỗ trợ thí sinh thông tin nhập học trong mùa tuyển sinh 2021. Ảnh: NDHỗ trợ thí sinh thông tin nhập học trong mùa tuyển sinh 2021. Ảnh: ND

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục hoàn thiện và triển khai lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Xây dựng hệ thống lọc ảo chung

Ghi nhận và đánh giá cao công tác tuyển sinh trong những năm gần đây, TS Nguyên Công Hào – Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên (ĐH Huế), bày tỏ hài lòng về công tác tuyển sinh 2021. Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng hoạt động tuyển sinh của các trường vẫn được triển khai kịp thời, phù hợp và hiệu quả.

Trước thực trạng năm 2021, các cơ sở giáo dục đại học áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, dẫn đến tình trạng nhiều thí sinh ảo, TS Nguyên Công Hào đề xuất, không chỉ riêng phương thức thi tốt nghiệp THPT, chúng ta có thể xây dựng hệ thống lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển.

Theo đó, các trường phải tuân thủ nguyên tắc cập nhật dữ liệu vào phần mềm xét tuyển, lọc ảo chung. Cùng với đó, cần có sự phối hợp với sở GD&ĐT các địa phương trong việc cung cấp, cập nhật dữ liệu liên quan đến kết quả học tập của thí sinh.

“Nếu phương án này được triển khai, sẽ là giải pháp lý tưởng cho các cơ sở GD&ĐT trong quá trình xét tuyển, lọc ảo. Vẫn biết là khó, nhưng không phải là không làm được. Muốn vậy, đòi hỏi cơ sở giáo dục đại học và sở GD&ĐT cùng chung tay và quyết tâm thực hiện” – TS Nguyên Công Hào nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh:

Để công tác tuyển sinh ngày càng tốt hơn, thời gian tới cần phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế và cải tiến một số bất cập theo lộ trình từng bước, tránh gây sốc cho thí sinh và xã hội. Trước mắt, chúng ta cần có giải pháp cấp bách để triển khai thực hiện trong 1 – 2 năm tới; đồng thời có chiến lược và lộ trình để bảo đảm tính ổn định lâu dài.

Thí sinh xác nhận nhập học. Ảnh minh họa

Tán thành với chủ trương giữ ổn định công tác tuyển sinh trong năm 2022, TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhận định: 1 – 2 năm tới, việc xét tuyển dựa vào học bạ và kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức tuyển sinh chính của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng các phương thức xét tuyển tuỳ thuộc vào từng trường. Dự báo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm dần.

Điều quan trọng là cơ sở giáo dục cũng cần ổn định phương thức tuyển sinh trong vòng 3 năm. Theo đó, các trường có thể đăng ký với Bộ GD&ĐT từ 3 – 4 phương thức tuyển sinh, nếu có thay đổi thì phải có “dự lệnh” và thông báo trước một năm. Không nên sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh và càng không nên thay đổi phương thức xét tuyển theo từng năm.

Các trường cần chủ động

“Năm 2022, Học viện Tài chính cơ bản giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2021” – TS Nguyễn Đào Tùng thông tin; đồng thời tán thành với khuyến cáo của Bộ GD&ĐT về việc: Các trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao có thể chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Theo đó, những trường này có thể kết hợp với nhau, tạo thành nhóm xét tuyển.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Khuyến cáo của Bộ GD&ĐT phù hợp với xu hướng tuyển sinh trong vài năm trở lại đây; nhất là khi tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học ngày càng được mở rộng và nhà trường cũng ít phụ thuộc vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thi sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: IT

Thực tế, những năm qua, các trường tốp đầu đã bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. “Tôi cho rằng, những dịch chuyển này là điều tất yếu. Năm 2022, dự báo các trường cũng đi theo đúng phương hướng của Bộ GD&ĐT và ngày càng độc lập, ít phụ thuộc vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp để hài hòa xu hướng này. Tuy nhiên, những thay đổi vẫn phải bảo đảm có lộ trình, không gây sốc cho thí sinh và xã hội” – PGS.TS Bùi Đức Triệu khẳng định.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2021 – 2022 cho các cơ sở đào tạo ĐH, trường cao đẳng sư phạm. Theo đó, một trong 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể mà Bộ yêu cầu các trường thực hiện là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ sinh viên. Cụ thể, năm học này, các trường ĐH cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai lộ trình đổi mới tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các trường chủ động liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại địa phương; tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo; đồng thời tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh. Dần hình thành trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu cơ sở GD đại học tổ chức tuyển sinh an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh phù hợp với thực tiễn, công khai, minh bạch. Đồng thời, chủ động phối hợp với địa phương tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.

Bộ GD&ĐT cho biết, phương án thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn 2023 – 2025 sẽ được hoàn thiện, lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và công bố vào quý I năm 2022. Với các ngành/trường có tính cạnh tranh cao, Bộ GD&ĐT khuyến cáo nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Theo đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT như là bước sàng lọc, sơ tuyển và cần có thêm các hình thức sát hạch, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, bảo đảm số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh.