Gần 50 cơ sở đại học sẽ sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

0
980

Ngày 17.12, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có cuộc trao đổi với đại diện của gần 50 cơ sở đại học về khai thác kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh năm 2022.

Bài thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia HN có 150 câu hỏi thi, mức điểm tối đa là 150, thời gian thi trong 195 phút. Bao gồm phần tư duy định lượng (Toán học, thống kê và xử lý số liệu), với 50 câu làm trong thời gian 75 phút; phần tư duy định tính (Văn học, Ngôn ngữ), với 50 câu hỏi làm tỏng 60 phút và phần Khoa học tự nhiên- xã hội (Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa),với 50 câu, làm trong 60 phút.

Kế hoạch tổ chức thi đánh giá năng lực năm 2022  của ĐHQGHN dự kiến bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8-2022. Ngoài việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh cho các trường thành viên, ĐHQGHN phối hợp tổ chức hoặc cung cấp kết quả thi này cho các trường khác tuyển sinh năm tới. Tính tới thời điểm này đã có gần 50 có sở giáo dục đại học đăng ký sử dụng kết quả này cho tuyển sinh năm 2022.

Hiện có ba cơ sở tổ chức thi theo phương thức này: Trường Đại học Bách khoa HN có bài thi đánh giá tư duy, thu hút nhiều trường khối Kỹ thuật công nghệ sử dụng kết quả tuyển sinh. Hai cơ sở khác là ĐHQG TP HCM và ĐHQGHN tổ chức thi đánh giá năng lực. Trong đó ĐHQG TPHCM thi trắc nghiệm trên giấy, còn ĐHQGHN thi trên máy tính. Tuy nhiên với việc tổ chức thi nhiều đợt, chủ động về địa điểm, thời gian tổ chức, theo lãnh đạo ĐHQGHN, đây là ưu điểm để thích ứng với tình huống dịch bệnh hiện nay.

Trong gần 50 cơ sở đại học có nhiều cơ sở lớn như ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thương Mại, Học viện Ngân hàng, các trường trong khối công an, quân đội, nhiều trường ĐH mới ở các địa phương khu vực Bắc, Trung bộ.

Trao đổi về việc này, ông Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN cho biết dự kiến sẽ xây dựng phần mềm để thí sinh dự tuyển vào các trường trong nhóm đăng ký nguyện vọng. Các cơ sở sử dụng kết quả này sẽ được chia sẻ dữ liệu kết quả thi. Ngoài việc tra cứu, xác nhận tính chính xác của kết quả thi của thí sinh, các trường có thể cập nhật thông tin về xét tuyển của các trường trong nhóm.

Tuy nhiên theo ông Lê Quân, việc hợp tác trong khai thác kết quả thi của ĐHQGHN sẽ mở hơn, linh hoạt hơn so với nhóm xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT trong việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh như hàng năm.

Cụ thể thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào nhiều trường nhưng không ràng buộc xếp ưu tiên nguyện vọng như quy định của Bộ GD-ĐT. Các trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh riêng, trong đó có kênh tuyển sinh bằng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN, không nhất thiết các trường phải xét tuyển cùng đợt, cùng thời gian mà thực hiện tuyển sinh nhiều đợt rải rác trong năm, tương ứng với nhiều đợt thi của ĐHQGHN từ tháng 2 đến tháng 8.

Trước đó, năm 2021, ĐHQGHN tổ chức thi đánh giá năng lực cho các trường thành viên với kết quả khả quan. Theo định hướng của Bộ GD-ĐT, các trường đại học tự chủ mạnh hơn, dần tách khỏi việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THP, áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác. Việc tổ chức kỳ thi đánh giá tự duy, đánh giá năng lực để tuyển sinh đang là xu thế dần thay thế cách thức tuyển sinh do Bộ GD-ĐT tổ chức như các năm qua.

Tuy nhiên, năm 2022, nhiều cơ sở đại học, trong đó có các trường tốp đầu vẫn áp dụng nhiều phương thức xét tuyển. Ngoài phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, các trường còn xét tuyển bằng xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, xét học bạ, phỏng vấn và xét dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Nhưng so với năm 2021 trở về trước, các trường bắt đầu điều chỉnh, dành ít hơn chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, do kỳ thi này đang được chuyển dần cho địa phương với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT, khả năng sàng lọc, phân hoá cao giảm đi.

http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/giao-duc/artmid/583/articleid/48407/gan-50-co-so-dai-hoc-se-su-dung-ket-qua-danh-gia-nang-luc-cua-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi