Tuyển sinh 2022: Mạnh tay giảm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT

0
905

 Nếu như 2 năm trước, hầu hết các cơ sở GD ĐH dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, thì năm nay nhiều trường giảm sâu chỉ tiêu đối với phương thức này và tăng chỉ tiêu xét tuyển riêng.

 

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: InternetThí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Internet

Giảm sâu chỉ tiêu

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thuỷ lợi – thông tin, năm 2022 tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5.200 sinh viên, với 39 ngành ở 7 khối. Nhà trường dự kiến dành 10% chỉ tiêu với phương thức tuyển thẳng. Đối với phương thức xét học bạ, nhà trường dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển.

Đáng chú ý, năm nay Trường ĐH Thuỷ lợi dành 50% tổng chỉ tiêu để xét tuyển đối với phương thức xét kết quả từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT, giảm hơn so với năm ngoái (Năm 2021, phương thức này nhà trường dành 70% tổng chỉ tiêu). Tuy nhiên, năm 2022 Trường ĐH Thuỷ lợi bổ sung phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa chủ trì – với 20% tổng chỉ tiêu.

Với tổng chỉ tiêu khoảng 5.700 sinh viên, PGS.TS Nguyễn Thị Hoà – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Trường ĐH Giao thông Vận tải – thông tin: Nhà trường áp dụng một số phương thức tuyển sinh gồm: Tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp; kết quả học bạ THPT; kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trong đó, nhà trường dự kiến dành 40% – 50% chỉ tiêu để tuyển sinh từ phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm 2021, Trường ĐH Giao thông Vận tải (cơ sở Hà Nội) dành hơn 80% chỉ tiêu cho phương thức trên. Tuy nhiên, năm nay, trường bổ sung từ 20% – 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ kết quả thi đánh giá tư duy.

“Mạnh tay” giảm sâu chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển truyền thống, song các trường đã bổ sung và triển khai thêm nhiều phương án khác, thể hiện tính tự chủ trong tuyển sinh và tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh. Trong số đó phải kể đến Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đưa ra 3 phương án tuyển sinh cho năm 2022 và thay đổi đáng kể về số chỉ tiêu.

Cụ thể, trường này dành 10% – 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (năm ngoái, dành 80% – 85% cho phương thức này); 60 – 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 – 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.

Tương tự, năm ngoái Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành từ 80% – 85% để xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mùa tuyển sinh năm nay trường này dự kiến dành từ 10% – 15% cho phương thức này. Chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức tuyển thẳng và xét tuyển theo đề án riêng của trường.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2021.

Thể hiện quyền tự chủ

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – cho biết: Nhà trường đang đi theo khuyến nghị của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung.

“Chúng tôi đã nghiên cứu, nếu coi điểm thi tốt nghiệp THPT làm công cụ để sơ tuyển; sau đó nhà trường tổ thêm một kỳ thi nữa để chọn lọc thì sẽ rất vất vả cho trường và thí sinh, phụ huynh. Cách tốt nhất là lập nhóm các trường với nhau để tổ chức thi chung hoặc sử dụng kết quả từ các kỳ thi có uy tín, bảo đảm chất lượng.

Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn phương án, sử dụng phương thức xét tuyển từ kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia và Kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì” – PGS.TS Bùi Đức Triệu chia sẻ, đồng thời phân tích: 2 năm nay, Kỳ thì tốt nghiệp THPT không còn là kỳ thi THPT quốc gia nữa. Do đó, mục tiêu để tuyển sinh chỉ là thứ yếu.

Ngoài ra, Quy chế thi tốt nghiệp THPT cũng ghi rõ, kết quả của kỳ thi chỉ là cơ sở để các trường đại học xem xét để tuyển sinh. “Mục tiêu đã thay đổi, nên các trường cũng phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh thực tiễn, nhất là những trường tốp đầu” – PGS.TS Bùi Đức Triệu nêu quan điểm; đồng thời bày tỏ: Điểm thi của thí sinh từ Kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia bảo đảm độ tin cậy. Đặc biệt, năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội tăng cả về quy mô, số lượt thi đánh giá năng lực; qua đó tạo cơ hội cho thí sinh có thể thi nhiều lần trong năm và lựa chọn thời điểm thi thích hợp. Đây là phương án khả thi, phù hợp với xu hướng tự chủ đại học và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng, đây là năm đầu tiên một số cơ sở giáo dục đại học mở rộng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng, trong đó có sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi đánh giá tư duy; nên ít nhiều có những ảnh hưởng nhất định đến thí sinh. Vì thế, các trường đại học cần sớm công bố đề án tuyển sinh hoặc phương án tuyển sinh để thí sinh tìm hiểu và nắm chắc một số quy định. Từ đó có định hướng trong học tập và đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Đặt vấn đề về chất lượng nguồn tuyển khi mà các trường áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh cho mỗi ngành đào tạo; PGS.TS Bùi Đức Triệu khẳng định, điều này không đáng quan ngại. Bởi mỗi một phương thức đều có quy định về chuẩn đầu vào, hoàn toàn không có chuyện tuyển sinh ào ạt để lấp đầy chỉ tiêu. Vì thế, dù thí sinh chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ, hay kết quả thi tốt nghệp THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy thì đều phải đạt đủ điểm chuẩn và tiêu chí về xét tuyển của nhà trường mới được công nhận trúng tuyển.

Cho rằng, việc các trường đại học hạ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều bình thường; TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – nhìn nhận: Đó là quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường.

TS Lê Viết Khuyến hoan nghênh một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá năng lực, tư duy của thí sinh và đây là tín hiệu hiệu tốt. Tuy nhiên, thực tế không phải trường nào cũng đủ khả năng để tổ chức kỳ thi. Hơn nữa, nếu mỗi trường có một kỳ thi đánh giá năng lực riêng, học sinh muốn thi 3 trường sẽ phải tham gia 3 đợt thi mất nhiều thời gian, công sức. Do đó, cũng cần đánh giá, nhìn nhận xem trường nào đủ và không đủ điều kiện để tổ chức kỳ thi.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong tuyển sinh. Các Đại học Quốc gia, đại học vùng và các trường, nhóm trường đại học có đủ điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển và chia sẻ, hỗ trợ trường khác có nhu cầu.
Theo Báo Giáo dục và đào tạo