Tìm lối thoát cho dạy học ‘on-off’

0
912

‘On-off’ là cách gọi tắt của phương pháp dạy học 2 trong 1, kết hợp trực tuyến (online) và trực tiếp (offline).

Tìm lối thoát cho dạy học on-off - Ảnh 1.

Lớp học on-off đang là hình thức phổ biến trong dạy học ở nhiều địa phương. Trong ảnh: học sinh lớp 9A6, Trường THCS Chu Văn An, quận 1, TP.HCM đang học môn toán tại lớp sáng 11-3, trong khi cô giáo là F0 đang giảng dạy trực tuyến từ nhà riêng – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong khi nhiều nơi việc tổ chức dạy học mang nặng tính hình thức thì cũng có không ít trường thực sự đầu tư, sáng tạo và bước đầu phát huy hiệu quả.

Trong tình huống dịch COVID-19 vẫn đang lan rộng, gia tăng ở nhiều địa phương, việc nhà trường phải thích ứng với nhiều hình thức dạy học có thể sẽ kéo dài chứ không phải giải pháp tạm thời trong vài tuần. Thích ứng, nhưng không “bỏ rơi” học sinh là một yêu cầu khó khăn khi triển khai kiểu học “on-off”.

Không còn là “giải pháp tình thế”

Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) có 60 học sinh F0 và gần 600 học sinh F1. Cô Nguyễn Phương Lan, hiệu trưởng, cho biết trường có 42 lớp thì 39 lớp có học sinh là F0, F1. Phương thức dạy “on-off” là giải pháp chính áp dụng trong tình huống này.

“Chúng tôi đầu tư mỗi lớp 1 máy tính, camera, 1 màn hình tivi cỡ lớn và nâng cấp đường truyền Internet để đảm bảo chất lượng tối thiểu thực hiện. Còn hiệu quả dạy học mức nào, lệ thuộc cả vào phương pháp dạy học, cách quản lý lớp học của giáo viên và sự tự giác của học sinh”, cô Lan nói.

Theo cô Lan, các tổ chuyên môn của trường phải thảo luận, chia sẻ những cách xử lý linh hoạt với từng môn học từ việc ứng dụng công nghệ thông tin đến thiết kế bài học làm sao để tăng tương tác với học sinh, kiểm soát được học sinh…

Ông Mai Sơn – phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang – cho biết Bắc Giang phát sinh ổ dịch lớn đầu tiên ở đợt dịch thứ 4 nên việc tìm cách để mở cửa trường học, tận dụng thời gian cho học sinh được đến trường là một trong những việc được ưu tiên và giải pháp dạy “on-off” đã được Bắc Giang thử nghiệm, xem đó như một giải pháp áp dụng lâu dài.

Cho tới thời điểm hiện tại đã triển khai sáng tạo, và hiệu quả ở nhiều trường học.

Đã quen thì không quá vất vả!

Tại Hà Nam, Nam Định, một trường học hiện nay tồn tại 4 – 5 hình thức dạy học, đáp ứng tất cả các tình huống xảy ra.

Chia sẻ về việc chia nhỏ các hình thức dạy học, cô Nguyễn Thị Minh Thu, hiệu trưởng Trường THPT B Phủ Lý (Hà Nam), cho hay đặc thù của bậc trung học là mỗi tiết dạy có một giáo viên đảm nhiệm.

Vì thế trong một buổi học với một lớp học cụ thể, có giáo viên F0 dạy trực tuyến ở nhà nhưng có giáo viên lại dạy ở trường. Vì thế thay vì để học sinh ở nhà học trực tuyến cả buổi như trước, trường bố trí cho học sinh đến trường để chủ động cả với giờ trực tuyến và trực tiếp.

Tương tự, có trường hợp 100% học sinh trong lớp là F1, F0 nhưng giáo viên vẫn thực hiện giờ dạy trên lớp.

Vì với lớp này cô phải dạy trực tuyến, nhưng lớp khác cô lại dạy trực tiếp hoặc dạy cho cả hai nhóm on-off. Bố trí dạy tại trường để giáo viên có đường truyền ổn định, hạn chế di chuyển để giữ sức khỏe, tiết kiệm thời gian.

Theo cô Thu, cách sắp xếp giáo viên, bố trí lớp học ở các trạng thái “on-off” khác nhau phải rất linh hoạt, nhưng trên cơ sở có sự chuẩn bị để chủ động, đó là chủ động về thiết bị, về nội dung và phương pháp dạy học để dù ở tình thế nào, vẫn đảm bảo được.

Ở Trường THPT B Phủ Lý, một số giáo viên dạy on-off còn sử dụng cả máy tính, điện thoại để kết nối trực tuyến, theo dõi từng nhóm học sinh, đồng thời có camera thu phát trực tiếp khi cô đứng viết và giảng trước bảng đen.

Tuy nhiên, cô phải thao tác nhiều hơn, di chuyển nhiều hơn để có thể tương tác với cả nhóm học sinh ở nhà và ở lớp. Căn bản giáo viên đều thực hiện việc “giao nhiệm vụ học tập” cho học sinh trước tiết học.

Trong giờ học giáo viên chữa bài, chốt kiến thức hoặc có thể vẫn chia nhóm học sinh để thực hiện các yêu cầu học tập, hoặc cho học sinh làm phiếu bài tập cả với nhóm on và off.

Một giáo viên cho biết: “Khi đã quen thì cũng không quá vất vả, việc khác biệt không gian không phải trở ngại lớn quá”.

Dự một giờ học tại đây, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng cách dạy này gần với tinh thần chỉ đạo của bộ ở phụ lục IV, công văn 5512 về khung kế hoạch bài giảng của giáo viên, áp dụng cho chương trình mới.

Ông Thành cũng cho rằng không nên quan niệm chuyển giáo án dạy trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại mà kế hoạch dạy học của giáo viên có thể ứng dụng với cả dạy trực tiếp và trực tuyến, hoặc dạy on-off, nếu như giáo viên thực hiện đúng phương pháp dạy học tích cực, tổ chức được các hoạt động học của học sinh. Vấn đề còn lại của giáo viên chỉ là làm chủ các thao tác kỹ thuật.

Biến nguy thành cơ

Trường Phổ thông liên cấp Edison (Hưng Yên) gọi lớp học on-off là “lớp học kết hợp”. Cô Trần Bích Diệp, phó hiệu trưởng, cho biết mỗi phương án dạy học, tương ứng với điều kiện về thiết bị.

Khó khăn lớn với các trường công lập bình thường chính là đầu tư thiết bị, nhưng theo cô Diệp thì với mỗi điều kiện, sẽ có thể có các cách ứng biến khác nhau. Khi không xem dạy on-off là “giải pháp tạm thời”, nhà trường, thầy cô sẽ biến “nguy thành cơ”, xây dựng quy trình dạy học kết hợp, chủ động trong các tình huống và tiếp tục áp dụng cả trong điều kiện bình thường.

Chuẩn bị các kịch bản ứng phó

Tại Nam Định, thầy Phạm Văn Châu, hiệu trưởng Trường THPT A Xuân Trường, chia sẻ với cách đổi mới phương pháp dạy học và chuẩn bị kỹ các kịch bản ứng phó thì nếu tình huống phải dạy on-off hoặc dạy 100% trực tuyến đều không bị động.

Ở Xuân Trường, các trường học đều được nâng cấp để có vài đường truyền, cá biệt có trường THPT đã đầu tư 11 đường truyền để đảm bảo dạy học kết hợp trong giai đoạn này.

Theo Báo Tuổi Trẻ