‘Đua’ thành đại học quốc gia

0
819

Một số đại học vùng, trường đại học muốn trở thành đại học quốc gia hoặc hoạt động theo cơ chế đại học quốc gia.

Đua thành đại học quốc gia - Ảnh 1.

Trường ĐH Cần Thơ sẽ không phát triển thành ĐH vùng mà lựa chọn con đường phát triển thành ĐH quốc gia – Ảnh: CHÍ QUỐC

Nhiều chuyên gia băn khoăn đúng là mô hình đại học vùng đã không còn phù hợp nhưng nếu cứ “đua” thành đại học quốc gia thì đâu còn là trọng điểm, ưu tiên nữa…

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các địa phương, trong đó có kiến nghị của Đà Nẵng với nội dung đồng ý chủ trương phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia Đà Nẵng.

Chính phủ giao Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan hỗ trợ ĐH Đà Nẵng hoàn thiện các thủ tục liên quan phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia Đà Nẵng.

Không mặn mà với đại học vùng

Tại lễ công bố quyết định công nhận Hội đồng ĐH Đà Nẵng và chủ tịch Hội đồng ĐH Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 – 2026, TS Phan Minh Đức – chủ tịch Hội đồng ĐH Đà Nẵng – cho biết hội đồng khẩn trương rà soát, ban hành các văn bản quan trọng như: quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng ĐH Đà Nẵng, quy chế tài chính, quy chế dân chủ cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng (tại Hòa Quý – Điện Ngọc) để ĐH Đà Nẵng phát triển theo định hướng ĐH nghiên cứu, phấn đấu trở thành ĐH Quốc gia Đà Nẵng.

Trước đó, tháng 5-2020, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 54, Chính phủ ra nghị quyết 83 có nhiệm vụ phát triển ĐH Huế thành ĐH quốc gia.

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng đã có văn bản gửi Ban Kinh tế Trung ương về việc thực hiện nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trong đó nêu rõ nhiệm vụ quan trọng là phát triển ĐH Huế thành ĐH quốc gia vào năm 2022.

ĐH Huế đã xác định mục tiêu xây dựng, phát triển ĐH Huế thành ĐH quốc gia theo định hướng nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2025 ở trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á và 1.000 trường ĐH thế giới, trở thành trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

PGS.TS Nguyễn Quang Linh – giám đốc ĐH Huế – cho biết năm 2021 ĐH Huế đã hoàn tất và trình đề án chuyển đổi ĐH Huế thành ĐH quốc gia cho Chính phủ.

Tuy nhiên đề án được trả lại để các bộ ngành có ý kiến, ĐH Huế chỉnh sửa đề án. “ĐH Huế trở thành ĐH quốc gia sẽ phát huy thế mạnh mô hình ĐH nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực đi đầu trong cả nước; là trụ cột khoa học công nghệ và giáo dục đại học, có nhiệm vụ đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ tương xứng với vai trò và sứ mệnh của mình, đặc biệt là nhiệm vụ triển khai các chương trình quốc gia và vùng do Chính phủ giao” – ông Linh nói.

Tương tự, GS.TS Hà Thanh Toàn – hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ – cho biết trường đã hoàn thành và gửi đề án chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ hoạt động theo mô hình ĐH quốc gia với bốn trường: Trường Kinh tế, Trường Bách khoa, Trường Nông nghiệp, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông và hai phân hiệu.

“Đây là các trường chuyên môn chứ không phải trường thành viên độc lập như mô hình các ĐH vùng hay ĐH quốc gia hiện tại. Bộ máy quản lý đơn giản, các phòng ban chức năng, tài chính, nhân sự và cấp bằng do ĐH Cần Thơ thực hiện, các trường không thực hiện các việc này” – ông Toàn cho biết thêm.

Cởi trói

Lý giải lý do muốn trở thành ĐH quốc gia hay hoạt động theo cơ chế của ĐH này, đại diện một số trường cho rằng đó là vì cơ chế tự chủ cao hơn so với hiện tại.

Bộ chủ quản không còn, các trường sẽ tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn. TS Lê Đông Phương – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam – cho biết ĐH quốc gia là mô hình khá đặc biệt của Việt Nam.

Về hành chính, ĐH quốc gia có những thẩm quyền ngang với cơ quan cấp bộ, như vậy quyền tự chủ cao hơn các ĐH, trường ĐH khác. Bên cạnh đó kinh phí cấp trực tiếp và cũng ít bị hạn chế hơn về thủ tục.

GS.TS Hà Thanh Toàn cho biết trường không chọn phương án trở thành ĐH vùng vì mô hình này có nhiều bất cập. Khi các trường tự chủ, Nhà nước không cấp ngân sách cho các ĐH vùng nữa, ĐH này cũng sẽ không còn cái gì để phân cho các trường. Vai trò của ĐH vùng sẽ mờ nhạt và không còn hiệu quả.

“Mô hình ĐH quốc gia có nhiều cơ chế thoáng hơn so với ĐH vùng hay ĐH độc lập. Khi đó, sẽ không còn bộ chủ quản, chỉ có hội đồng trường.

Trường sẽ tự chủ mở ngành, liên kết quốc tế, nhân sự. Tuy nhiên, trường chỉ là ĐH hoạt động theo cơ chế ĐH quốc gia chứ không phải ĐH quốc gia nên vẫn chưa phải là đơn vị dự toán cấp 1 như ĐH quốc gia, vì thế nhiều vấn đề tài chính vẫn còn phải thông qua bộ theo Luật ngân sách” – ông Toàn nói thêm.

TS Lê Đông Phương băn khoăn khi có nhiều ĐH quốc gia thì câu chuyện trọng tâm phát triển ở đâu. Và liệu sẽ có quá nhiều đầu mối hành chính sự nghiệp cấp bộ không, đi ngược quyết tâm cắt giảm đầu mối của Chính phủ?

Mô hình đại học vùng đã cũ

Hiện Việt Nam có các mô hình ĐH: ĐH quốc gia (trực thuộc Chính phủ), ĐH vùng (có 3 đại học vùng, thuộc Bộ GD-ĐT) và các trường ĐH độc lập.

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, hằng năm ngân sách nhà nước cấp cho mỗi ĐH quốc gia khoảng 1.000 tỉ đồng. Trường ĐH Cần Thơ được cấp 60 tỉ đồng/năm nhưng đã tự chủ nên 2 năm qua không được cấp ngân sách. Xu hướng tự chủ phát triển, vai trò quản lý của ĐH vùng, kể cả ĐH quốc gia với các trường thành viên độc lập sẽ mờ nhạt.

Phó giám đốc một ĐH vùng thẳng thắn thừa nhận khi các trường tự chủ, mô hình quản lý theo hàng dọc của ĐH vùng sẽ không còn hiệu quả, không còn chi phối, quản lý các trường được.

Hơn nữa, theo xu thế tự chủ, nhiều trường tự chủ cũng có đầy đủ các quyền như ĐH vùng, thậm chí nhiều hơn. Như vậy mô hình ĐH vùng đã cũ, chỉ khác đó là một tập hợp các trường thành viên mà thôi.

Cơ chế đại học quốc gia thoáng hơn

PGS.TS Nguyễn Quang Linh cho rằng tự chủ sẽ cởi trói cho ĐH vùng nhưng vấn đề tài chính vẫn còn phụ thuộc.

Vì không phải là đơn vị dự toán cấp 1 nên các vấn đề tài chính, hợp tác công – tư ĐH vùng vẫn chưa tự chủ được mà phải thông qua bộ. Chuyển đổi thành ĐH quốc gia sẽ có nhiều cơ chế thoáng hơn, tự chủ – tự chịu trách nhiệm nhiều hơn.

Theo Báo Tuổi Trẻ