5 phương pháp ôn Địa lý thi tốt nghiệp trong giai đoạn nước rút

0
982

Cô Đoàn Thị Thanh Quyên, Tổ trưởng môn Địa lý, THPT Vĩnh Lộc B, TP HCM hướng dẫn phương pháp ôn tập môn học này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu tập trung ở lớp 12. Việc giành điểm cao ở môn Địa là điều không khó, nhưng học sinh cần có phương pháp đúng đắn, nhất là trong giai đoạn này.

Nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa

Theo đề thi minh họa, lượng kiến thức môn Địa lý, học sinh cần nắm vững lý thuyết trong sách giáo khoa. Các em cần hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy, hoàn thiện các phần kiến thức, kỹ năng và ôn tập lại theo chủ đề: tự nhiên, các ngành kinh tế, dân cư – xã hội, các vùng kinh tế.

Ở mỗi chủ đề, học sinh cần nắm vững các nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết. Với mỗi vấn đề quan trọng, học sinh cần nắm “từ khóa” nói lên nội dung, không nên học thuộc lòng.

Việc chia theo chủ đề là phương pháp học tập hiệu quả và khoa học. Phương pháp này sẽ giúp học sinh dễ dàng nắm bắt kiến thức hơn và tránh nhầm lẫn trong quá trình học.

Bám sát cấu trúc đề thi minh họa

Đề minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố gồm 38 câu thuộc chương trình lớp 12, hai câu kiến thức lớp 11 (kỹ năng biểu đồ và bảng số liệu). Về độ khó, khoảng 25% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao, chủ yếu thuộc nội dung các vùng kinh tế.

Cấu trúc đề thi gồm hai phần:

+ Phần lý thuyết có 21 câu thuộc các chủ đề: Địa lý tự nhiên, 4 câu; địa lý ngành kinh tế, 8 câu; địa lý dân cư, 2 câu; địa lý vùng kinh tế, 7 câu.

+ Phần kỹ năng có 19 câu gồm:15 câu kỹ năng khai thác Atlat; 2 câu kỹ năng biểu đồ, 2 câu kỹ năng bảng số liệu.

Tuy nhiên, đề tham khảo chỉ mang tính chất định hướng chủ đề ôn tập nên các em cần có sự linh hoạt, tránh tình trạng “học tủ”. Đề trắc nghiệm có khả năng bao quát chương trình hơn, kiến thức rộng hơn so với thi tự luận.

Đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Luyện kỹ năng sử dụng Atlat

Theo đề minh họa, bài thi Địa lý có 15 câu xem bản đồ. Như vậy, để đạt được điểm cao, học sinh nên rèn luyện cách xem bản đồ sao cho thuần thục và chính xác bằng cách rèn luyện nhiều lần. Các em hãy tập phản xạ nhanh để xác định được vị trí của các vùng, các tỉnh, các đối tượng địa lý. Ngoài ra, các em cần nắm rõ các ký hiệu để đọc bản đồ; phối hợp nhiều trang Atlat để trả lời một câu hỏi.

Rèn kỹ năng nhận xét, phân tích, nhận dạng biểu đồ và bảng số liệu.

Câu hỏi trắc nghiệm về biểu đồ thường gặp gồm: biểu đồ thể hiện nội dung nào; lựa chọn nhận xét “đúng” hoặc “không đúng” dựa vào biểu đồ đã cho.

Để không mất điểm ở những câu hỏi này, học sinh phải nắm vững kiến thức về đặc tính thể hiện của từng loại biểu đồ: tròn, cột (cột đơn, cột ghép, cột chồng); biểu đồ đồ thị (đường biểu diễn); biểu đồ miền và biểu đồ kết hợp (cột và đường). Một số ví dụ: thể hiện quy mô và cơ cấu chọn biểu đồ tròn; biểu đồ đường sẽ thể hiện tốc độ tăng trưởng; tỉ lệ gia tăng…

Các dạng câu hỏi về bảng số liệu thường gặp gồm: lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp; yêu cầu chọn nhận xét “đúng” hay “không đúng”.

Học sinh cần quan sát bảng số liệu cả hai chiều dọc và ngang trên cơ sở áp dụng các công thức tính toán nếu cần thiết rồi đưa ra lựa chọn tốt nhất. Các em cần đọc kỹ cả 4 đáp án, tuyệt đối không nên lựa chọn đáp án một cách chủ quan, cảm tính.

Giải đề bài thường xuyên để có được phản xạ tốt lúc làm bài

Việc này giúp các em nhận ra những lỗ hổng kiến thức từ đó bồi dưỡng, trau dồi. Một kế hoạch luyện đề rõ ràng sẽ khiến các thí sinh có động lực để ôn luyện chăm chỉ. Tuy nhiên, học sinh cần lưu ý những điểm sau đây:

+ Không nên luyện quá nhiều đề thi trong một ngày; tối đa 2 đề/ ngày. Trong thời gian luyện đề, các em nên bấm giờ và làm bài nghiêm túc để đánh giá lượng kiến thức của bản thân và quen với tâm lý phòng thi.

+ Tránh học không đúng trọng tâm, luyện thi lan man các dạng đề cao cấp.

Để đạt kết quả tốt cho bài thi, học sinh cần biết phân bố thời gian, lựa chọn các câu hỏi để làm trước. Khi làm bài các em nên làm tuần tự từ trên xuống dưới của đề thi, vì độ khó của nhóm các câu hỏi sẽ tăng dần. Việc hoàn thành các câu hỏi cơ bản sẽ khiến các em có tâm lý tự tin, hứng khởi hơn; tránh sa đà vào những câu khó ngay từ đầu sẽ khiến bản thân rơi vào trạng thái mất kiểm soát.

Trong bốn lựa chọn, chỉ một phương án đúng, còn lại là các phương án “nhiễu”, được xây dựng trên cơ sở có liên quan đến nội dung lời dẫn. Thí sinh cần đọc kỹ câu dẫn và đáp án của các câu hỏi, gạch chân dưới các từ khoá. Từ khóa trong mỗi câu hỏi chính là mấu chốt để các em giải quyết vấn đề, định hướng được vấn đề liên quan.

Ngoài ra, học sinh cần lưu ý dạng câu hỏi mà lời dẫn ở thể phủ định như “không đúng”, “không phải”. Với dạng này, học sinh cần nghiên cứu kỹ yêu cầu để tính toán, lập luận, phân tích, so sánh bốn lựa chọn để tìm ra phương án đúng.

Giám thị kiểm tra Atlat Địa lý Việt Nam của thí sinh trước giờ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức hồi tháng 3. Ảnh: Mạnh Tùng

Giám thị kiểm tra Atlat Địa lý Việt Nam của thí sinh trước giờ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức hồi tháng 3. Ảnh: Mạnh Tùng

Thí sinh cũng cần sử dụng kỹ năng phỏng đoán – loại trừ. Phỏng đoán chưa bao giờ là một cách hay, nhưng với những câu hỏi các em không chắc chắn về câu trả lời, việc phỏng đoán một cách logic và khoa học là một trong những giải pháp tốt nhất.

Ngoài phân bố thời gian hợp lý cho bài thi, trong quá trình làm bài, thí sinh cần đánh dấu vào các câu hỏi chưa làm được để quay lại sau đó, tuyệt đối không được bỏ trống đáp án.

Trước ngày thi, thí sinh nhớ chuẩn bị Atlat Địa lý Việt Nam do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành từ năm 2009 đến nay (bên trong không được ghi chép bất cứ thông tin nào), máy tính cầm tay theo quy định, viết chì, tẩy.

Theo Báo Vnexpress