Hơn 20 ngày trước kỳ thi tốt nghiệp, học sinh lớp 12 cấp tập luyện đề, trong khi các trường ráo riết tổ chức phụ đạo, ôn thi.
Từ đầu tháng 6, Hoàng Giang (quận Long Biên, Hà Nội) phân chia lại thời gian biểu để tập trung học ba môn Toán, Lý, Hóa, phục vụ xét tuyển đại học từ kết quả thi tốt nghiệp.
Sau khi kết thúc chương trình chính khóa tại trường, thời gian 2-4 tiếng tự học buổi tối được Giang chia đều cho các môn. Trong giai đoạn nước rút, ngoài học thêm, nam sinh dành ba phần tư thời gian tự học cho Toán, Lý, Hóa và chủ động ôn Văn và Tiếng Anh trong khoảng còn lại qua các bài giảng miễn phí trên nền tảng trực tuyến.
Ngoài ra, Giang cũng lên kế hoạch tăng thời gian tự học. Thay vì nghỉ ngơi vào 23h như hiện nay, em muốn học thêm 1-2 tiếng nữa. Khi đó, tổng thời gian học một ngày của nam sinh lên tới 14-15 tiếng.
Giang cho biết em đặt mục tiêu vào ngành Thương mại điện tử của Đại học Thương mại. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành này lên tới 27,1 trong khi hai đợt thi thử gần nhất, kết quả tổ hợp A00 của nam sinh khoảng 24 điểm. “Đạt 7 điểm mỗi môn không quá khó nhưng đến 8 và hơn 8 là câu chuyện hoàn toàn khác. Do đó, để trúng tuyển, em cần cố gắng và đầu tư nhiều hơn”, Giang nói.
Không phải học sinh trường chuyên, cũng không có chứng chỉ tiếng Anh, thi tốt nghiệp THPT là phương thức duy nhất để vào đại học của Giang. Nam sinh xác định nếu không thể trúng tuyển nguyện vọng 1, điểm thi tốt cũng giúp em vào được những ngành, đại học chất lượng tốt. “Không còn nhiều thời gian để đủng đỉnh nữa”, Giang nói.
Tương tự, Trần Liễu Đại Phúc, lớp 12 trường THPT Thành Nhân, TP HCM miệt mài ôn suốt ba tháng nay cho kỳ thi quan trọng vào đầu tháng 7 tới. Năm nay, Phúc muốn vào ngành Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm TP HCM bằng tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa). Đây là ngành luôn có điểm chuẩn cao nhất nhì trường nhiều năm qua.
Năm học vừa rồi, Phúc cùng các bạn bị ảnh hưởng do Covid-19. “Em cảm thấy áp lực, một phần do đề minh họa năm nay có nhiều câu khó, một phần vì điểm chuẩn ngành em chọn rất cao”, Phúc nói.
Phúc đã nắm vững kiến thức cơ bản từ tháng 3, sau đó chuyển sang giai đoạn luyện đề. Trong ba môn, nam sinh tự tin nhất với Toán và Hóa, ngại môn Lý.
Trong khi nhiều bạn cùng trường áp lực trước kỳ thi, Đào Quang Minh (quận Gò Vấp, TP HCM) tỏ ra tự tin bởi đã chạm một tay vào cánh cửa đại học.
Năm nay, ngoài phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp, Minh sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào ngành Kỹ thuật ôtô, Đại học Bách khoa TP HCM.
Trong kỳ thi đánh giá năng lực, Minh giành 905 điểm (thang 1.200) – số điểm giúp Minh có cơ hội lớn vào ngành mong muốn. Tuy nhiên, nam sinh vẫn đặt mục tiêu 29 điểm tổ hợp A00 để có cơ hội tiến xa hơn. Minh bắt đầu tăng tốc luyện thi tham khảo, giải bộ đề từ tháng 4 đến nay.
“Em thấy đề minh họa của Bộ năm nay vừa sức, em có thể đạt 9,5 tới 10 điểm”, Minh cho hay.
Năm nay, cả nước có hơn một triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT, ít hơn năm ngoái 14.000. Trong đó, hơn 859.500 em sẽ dùng kết quả để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học (chiếm 85,87%).
Hiện, các trường ráo riết phụ đạo, ôn tập cho học sinh khối 12 sau khi hoàn thành năm học 2021-2022. Nhiều trường tổ chức ôn thi vào ca sáng, một số trường tư thục tăng cường cả ca tối.
Tại THPT Thành Nhân (quận Gò Vấp, TP HCM) sau giờ học ban ngày, hơn 220 học sinh còn được ôn tập ca tối từ 19h. Tiết học tối chủ yếu giúp các em củng cố kiến thức, giải bài tập và tự học.
Thầy Khưu Hoàng Trân, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 cho biết, hàng năm, tháng 4 là giai đoạn tăng tốc ôn tập kiến thức cơ bản, tháng gần cuối là lúc hệ thống lại kiến thức, giải đề, rèn kỹ năng làm bài.
Để việc ôn luyện hiệu quả, nhà trường phân công hai giáo viên dạy mỗi môn Toán, Lý, Hóa. “Một người phụ trách ôn tập kiến thức, một người giải đề”, thầy Trân cho biết.
Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TP HCM), 286 học sinh khối 12 cũng bước vào giai đoạn ôn tập nước rút. Thầy Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc trung tâm cho biết, nhà trường định hướng cho học sinh chọn tổ hợp thi từ đầu lớp 12. Năm trong số sáu lớp lựa chọn bài thi Khoa học xã hội, còn lại chọn bài thi Khoa học tự nhiên.
Các lớp ôn tập được tổ chức vào đầu tháng 5, diễn ra các buổi sáng trong tuần. “Vì thi chung đề với học sinh THPT nên các em khối giáo dục thường xuyên chung phải nỗ lực nhiều hơn. Giáo viên, tổ trưởng chuyên môn sẽ đưa ra chiến lược, giải pháp ôn tập để học sinh đạt kết quả tốt nhất”, thầy Hoàng nói.
Tại Hà Nội, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết trường ôn tập chín môn thi tốt nghiệp, bốn tiết mỗi ngày cho 700 học sinh. Những em chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sẽ được dạy các môn tương ứng, còn thời gian học Toán, Văn, Tiếng Anh tương đương nhau. Việc ôn luyện tại trường kết thúc vào 1/7.
Theo cô Nhiếp, trong giai đoạn này, việc tự học của học sinh rất quan trọng. “Ép buộc các em, tăng thời gian học tại trường không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả. Thời điểm kỳ thi đã đến gần, cần quan tâm nhiều hơn đến tâm lý, sức khỏe học sinh”, cô Nhiếp nói.