Theo các chuyên gia giáo dục, trong thực tế hiện nay, rất khó để đảm bảo điểm học bạ là hoàn toàn khách quan, đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.
Như Dân trí đã đưa tin, theo kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 và điểm học bạ, điểm ở hầu hết các môn đều có sự chênh lệch, đa số điểm học bạ cao hơn điểm thi.
Một số địa phương đứng top đầu về điểm học bạ thì điểm thi tốt nghiệp THPT cùng môn học đó lại đứng top giữa, thậm chí top cuối; mức vênh nhau giữa kết quả học bạ và điểm thi có nơi lên tới gần 3.8 điểm.
Rất khó đảm bảo điểm học bạ hoàn toàn khách quan
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Đinh Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại, Ủy viên Hội đồng Giáo sư Ngành Kinh tế cho rằng, sự chênh lệnh điểm nói trên có thể do một trong hai trường hợp.
Thứ nhất, điểm học bạ không khách quan do bệnh thành tích của các trường THPT, các địa phương. Bên cạnh đó, vài năm gần đây, nhiều trường đại học áp dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ. Bởi vậy, một số trường phổ thông có thể đã bắt đầu quay trở lại nâng mặt bằng điểm trên học bạ của học sinh, giúp học sinh trường mình có cơ hội vào đại học cao hơn.
Thứ hai, giả sử điểm học bạ của các thí sinh đều là chuẩn xác, khách quan thì có nghĩa đề thi tốt nghiệp THPT đã không phản ánh được thành tích học tập thực sự của học sinh, có thể do đề thi quá khó?
“Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi nghiêng về trường hợp thứ nhất nhiều hơn”, GS Sơn nói.
GS Sơn chia sẻ, trong suốt 10 năm làm hiệu trưởng trường đại học, ông không đặt niềm tin vào việc xét tuyển bằng điểm học bạ. Bởi rất khó, ít nhất là trong thực tế hiện nay để đảm bảo điểm học bạ là hoàn toàn khách quan, đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.
Ngoài ra, nếu dựa vào kết quả học bạ để xét tuyển có thể dẫn tới sự không công bằng giữa các thí sinh ở các trường, các địa phương. Những trường nào, địa phương nào nghiêm túc, đánh giá đúng, khách quan kết quả học tập của học sinh trường mình thì có thể học sinh sẽ “bị thiệt”.
Ngược lại, trường nào làm không đúng, nâng điểm học bạ lên thì học sinh trường đó sẽ được hưởng lợi, có lợi thế hơn khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. “Như thế là rất không công bằng, không chọn được những người có năng lực học tốt, xứng đáng để vào các trường đại học”, GS Sơn khẳng định.
Ông nhấn mạnh, nếu chất lượng đầu vào không tốt có thể ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến chất lượng đầu ra của các trường đại học. Cũng giống như trong sản xuất, dù trình độ công nghệ sản xuất có tốt đến mức độ nào, nhưng nếu nguyên vật liệu đầu vào không chuẩn, chất lượng thấp, chắc chắn sản phẩm sẽ không đạt được chất lượng như mong muốn.
Theo GS.TS Đinh Văn Sơn, việc xét tuyển theo điểm học bạ là tùy theo quan điểm của từng trường, gắn với tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, bởi vậy rất khó để Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể can thiệp trực tiếp vào Đề án tuyển sinh của các trường.
Giải pháp hiệu quả nhất thời điểm này là một mặt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp nào đó chỉ đạo, tăng cường giám sát các trường THPT, các địa phương để học bạ phản ánh đúng năng lực, kết quả học tập của học sinh. Mặt khác, các trường đại học chỉ nên sử dụng điểm học bạ là một tiêu chí phụ trong tuyển sinh. “Đến thời điểm này, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là khách quan, có độ tin cậy hơn rất nhiều hơn so với điểm học bạ”, GS Sơn khẳng định.
Tạo cơ hội cho bệnh thành tích, sự gian lận trong tuyển sinh?
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, ông vẫn luôn phản đối vấn đề xét tuyển đại học dựa trên kết quả học bạ. Theo TS, ở Việt Nam, bệnh thành tích còn rất lớn và gian lận trong cho điểm cũng là vấn đề còn “dữ dội”.
“Như kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng ta làm chặt chẽ, ngặt nghèo đến như thế mà ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La,… vẫn có chuyện gian lận để thay đổi điểm thi. Vậy thì với điểm học bạ lại càng đơn giản. Nếu ở mức độ nhẹ có thể gọi là xin điểm, thầy thương học trò nên cho lên một vài điểm; nhưng ở mức nặng hơn thì có thể là mua điểm, chạy điểm”, TS Khuyến phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông, hệ thống giáo dục nước ta hiện không đồng đều, chưa có hệ thống kiểm định thường xuyên trên cả nước. Bởi vậy, điểm giữa các trường, các vùng miền có thể rất khác nhau, khó đảm bảo sự công bằng.
“Việc xét tuyển theo cách này trước hết là thiếu công bằng, mức độ cao hơn là có thể tạo cơ hội cho bệnh thành tích, cho sự gian lận, tiêu cực trong tuyển sinh xuất hiện”, TS nhấn mạnh.
TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm, trong thời điểm này, việc tuyển sinh vẫn nên dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết hợp với những kỳ thi phụ (ví dụ dành cho nhóm ngành hot, ngành đặc thù); thay vì xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, quan trọng là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng đề thi sao cho đánh giá được kết quả học tập sau 12 năm học của học sinh và có tính phân hóa cao.
Với các kỳ thi đánh giá năng lực, TS Khuyến cho rằng không phải tất cả các trường đều đủ khả năng tổ chức và đảm bảo được chất lượng. Bởi vậy, Bộ nên có giải pháp để những kỳ thi này đảm bảo hiệu quả.