Học phí đại học năm 2023: trường tăng đụng trần, trường tăng nhè nhẹ

0
804
nhieu-co-hoi-vao-dai-hoc-bang-diem-thi-danh-gia-nang-luc

Sau hai năm giữ nguyên, nhiều trường đại học đồng loạt tăng học phí cho khóa tuyển sinh 2023. Trong khi đó, không ít trường đại học chưa công khai mức học phí để thí sinh cân nhắc chọn trường.

Học phí đại học năm 2023: trường tăng đụng trần, trường tăng nhè nhẹ - Ảnh 1.

Thí sinh đóng học phí khi làm thủ tục nhập học vào Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2022 – Ảnh: N.V.

Theo nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí, năm học 2022 – 2023, mức trần học phí đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5 – 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng).

Các trường đại học tự chủ có mức học phí cao hơn từ 2 – 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ. Hai năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường không tăng học phí. Do đó, nếu so với mức học phí năm 2020, học phí khóa 2023 của nhiều trường còn tăng lên rất nhiều.

Học phí đại học chạm trần

Thống kê từ nhiều trường đại học cho thấy mức học phí dự kiến cho năm học tới phần lớn chạm trần. Tại khoa y (Đại học Quốc gia TP.HCM), học phí các ngành y khoa, dược, răng hàm mặt và y học cổ truyền dự kiến 55 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với năm học trước.

Riêng ngành điều dưỡng có mức tăng ít hơn, từ 37 lên 40 triệu đồng/năm. Mức thu này thấp hơn mức trần quy định từ vài trăm nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/năm. Trường đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng có mức học phí thấp hơn mức trần một ít.

Trong khi đó, năm nay Trường đại học Kinh tế TP.HCM không công bố mức học phí dự kiến cho từng năm học như những năm trước, chỉ công bố đơn giá cho mỗi tín chỉ đào tạo. Tuy vậy, đơn giá này cũng cao hơn nhiều so với khóa tuyển 2022.

Cụ thể, năm đầu tiên, trường thu 940.000 đồng/tín chỉ, năm hai 1,1 triệu đồng, năm ba 1,24 triệu đồng và năm thứ tư 1,4 triệu đồng/tín chỉ. Mức học phí các học phần thực hành, đồ án, thực tế… mức học phí mỗi tín chỉ cao hơn.

Được biết, đơn giá khóa tuyển 2022 dao động 830.000 – 940.000 đồng/tín chỉ, tương đương học phí từ 30 – 34,5 triệu đồng/năm.

Theo giải thích của cán bộ tuyển sinh trường này, vì số tín chỉ mỗi học kỳ sinh viên đăng ký khác nhau nên học phí cũng sẽ khác nhau. Do đó trường không đưa ra mức dự kiến cho từng năm học như trước, chỉ đưa ra đơn giá mỗi tín chỉ để thí sinh tham khảo.

“Những năm trước trường đưa ra học phí dự kiến cho mỗi năm học nhưng thực tế mỗi măm sinh viên đăng ký số tín chỉ nhiều ít khác nhau nên có năm học phí cao hơn mức dự kiến, sinh viên ý kiến vấn đề này cũng nhiều”, vị này giải thích thêm.

Nếu năm học tới không có gì thay đổi, dự kiến Trường đại học Luật TP.HCM sẽ tăng mạnh học phí. Học phí hiện tại của trường khoảng 18 triệu đồng/năm. Theo đề án học phí của năm học 2021 – 2022 và những năm tiếp theo của trường, năm học 2023 – 2024, học phí hệ đại trà của trường sẽ tăng lên 35.250.000 đồng.

Ông Trần Hoàng Hải, hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM, cho biết đề án học phí của trường được xây dựng và phê duyệt đúng quy định. Tuy nhiên hai năm qua, cơ quan quản lý có văn bản yêu cầu không tăng học phí nên trường chưa thực hiện tăng học phí theo lộ trình. Ba năm qua học phí của trường ở mức 18 triệu đồng/năm.

“Mức học phí này thấp hơn rất nhiều so với trường tư. Điều này dẫn đến nguy cơ trường bị chảy máu chất xám, không xây dựng đủ cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho đào tạo. Do đó, nếu không có gì thay đổi hoặc yêu cầu không tăng học phí từ cơ quan quản lý, năm nay trường sẽ áp dụng chính sách học phí theo đề án học phí của trường”, ông Hải cho biết thêm.

Học phí đại học năm 2023: trường tăng đụng trần, trường tăng nhè nhẹ - Ảnh 2.

Đơn giá tín chỉ năm 2023 của Trường đại học Kinh tế TP.HCM tăng so với năm 2022 – Dữ liệu: MINH GIẢNG – Đồ họa: T.ĐẠT

Không tăng “sốc”

Nhiều trường đại học khác cũng tăng học phí so với năm học trước tuy nhiên mức tăng không quá nhiều. Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng có mức học phí tăng từ 27,5 triệu đồng/năm khóa tuyển 2022 lên 30 triệu đồng/năm khóa tuyển 2023.

Đây là mức học phí dành cho chương trình tiêu chuẩn. Khoa y dược (Đại học Đà Nẵng) tăng học phí mỗi ngành từ 2,5 – 3,1 triệu đồng/năm.

Đến nay, nhiều trường đại học đã công bố thông tin tuyển sinh, thậm chí nhận hồ sơ xét tuyển nhưng chưa công bố thông tin học phí khóa 2023. Trong khi đó, quy định của bộ yêu cầu các trường công bố đề án tuyển sinh, trong đó có thông tin về học phí trước ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.

Ông Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết dự kiến học phí của trường sẽ ít có thay đổi so với năm trước. Trong trường hợp tăng, mức tăng dao động 5 – 10% chứ không tăng quá nhiều. Học phí hiện tại của trường dao động 28 – 50 triệu đồng/năm tùy theo ngành.

Tương tự, ông Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết năm 2023 học phí của trường có sự điều chỉnh so với năm trước. Trong đó, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh không tăng học phí. Chương trình đào tạo bằng tiếng Việt có học phí 25,9 triệu đồng/năm, tăng hơn 10% so với năm 2022.

Tự chủ vẫn không tăng nhiều

Thêm một số trường dự kiến được phê duyệt cơ chế tự chủ trong năm nay. Mặc dù vậy, học phí dự kiến sẽ ít có sự thay đổi so với năm trước.

Ông Nguyễn Đức Trung, phó hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết đề án tự chủ của trường đã qua nhiều vòng phê duyệt, dự kiến sẽ có quyết định tự chủ trong tháng 6. Mặc dù vậy, học phí khóa tuyển 2023 của trường vẫn giữ ở mức 14,1 triệu đồng/năm như các năm trước.

“Hội đồng trường quyết định vẫn giữ ổn định học phí cho khóa tuyển sinh mới. Nếu có tăng học phí, trường sẽ thông tin rộng rãi để thí sinh nắm và thực hiện từ năm sau”, ông Trung nói.

Sử dụng học phí đại học ra sao?

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022, cả nước có 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định.

Qua thống kê số liệu quyết toán giai đoạn 2016 – 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ bản nguồn thu chi cho con người (bao gồm cả chi thu nhập tăng thêm và chi vượt giờ) chiếm tỉ trọng trên 50% trên tổng chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo đại học và sau đại học.

Chi đầu tư cơ sở vật chất chiếm tỉ trọng 7%, chi chế độ cho học sinh, sinh viên chiếm tỉ trọng khoảng 4%, chi trích lập các quỹ chiếm tỉ trọng 10%, chi đào tạo khác chiếm tỉ trọng 25 – 26% tổng chi.

Theo Báo Tuổi Trẻ