Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đề xuất bổ sung cán bộ kỹ thuật trong phòng in sao đề tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 để phòng ngừa lỗi in đề như kỳ thi lớp 10 công lập tại Hà Nội.
Câu chuyện lỗi in sao đề thi trở thành nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023, diễn ra sáng 15/6.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để không xảy ra việc in đề lỗi như Hà Nội mắc phải tại kỳ thi vào lớp 10 công lập vừa qua.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết Sở này đã chuẩn bị 18 máy in tốt và khoảng 60 cán bộ giáo viên trong ban in sao đề. Tuy nhiên ông Hiếu lo lắng quá trình vận hành máy in với khối lượng in sao lớn sẽ xảy ra trục trặc. Trong khi đó, 60 cán bộ giáo viên không có chuyên môn để kiểm soát, xử lý sự cố máy móc.
Từ cơ sở này, ông Hiếu kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép một cán bộ kỹ thuật bảo trì sửa chữa máy được tham gia việc in sao đề để giải quyết sự cố nếu có, đảm bảo máy hoạt động tốt, ngăn chặn việc in lỗi đề.
Trả lời kiến nghị này của ông Hiếu, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết hướng giải quyết vẫn là phải có đủ máy móc thay thế khi xảy ra lỗi.
“Theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các sở phải có đủ máy móc dự phòng thay thế trong quá trình in sao đề, khi các máy móc trục trặc thì phải thay thế ngay”, ông Chương cho hay.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhấn mạnh cần đảm bảo tốt nhất về máy móc in sao đề thi, số lượng máy dự phòng cũng như điều kiện cách ly tốt nhất cho các cán bộ trong ban in sao đề, đảm bảo rằng mọi sự cố nhỏ nhất đều được kiểm soát, không được xảy ra sai sót dù nhỏ nhất.
Về đề nghị đặc cách xét tốt nghiệp THPT cho các thí sinh khuyết tật của Sở GD&ĐT TPHCM, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể nếu số lượng ít.
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết kỳ thi năm nay học sinh vẫn thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng tinh thần đổi mới. Tinh thần đổi mới này đã thực hiện ở tất cả các lớp, các chương trình trong những năm qua.
Công tác tổ chức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra khẩn trương. Bộ GD&ĐT đã làm việc với ngành điện đề xuất ưu tiên không cắt điện trong thời gian diễn ra kỳ thi, đồng thời ưu tiên điện cho khu vực in sao đề thi và chấm thi.
Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng 3 phần mềm lớn phục vụ cho kỳ thi gồm: Phần mềm đăng ký dự thi; phần mềm hỗ trợ cho việc ra đề thi; phần mềm chấm thi tốt nghiệp.
Trừ môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT đều là đề thi trắc nghiệm, do vậy phần mềm chấm thi được thẩm định rất kỹ và được xem là phần mềm đặc biệt quan trọng.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đặc biệt lưu ý về công tác in sao đề thi. Trong đó, ngoài việc cần in đúng, đủ số lượng, cần phòng ngừa triệt để tình trạng in lỗi đề như vừa xảy ra với kỳ thi lớp 10 vào Hà Nội
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra vào 28-29/6. Ngày 27/6, thí sinh làm thủ tục dự thi. Bộ GD&ĐT tổ chức một ngày thi dự phòng vào 30/6.
Theo kế hoạch, Bộ sẽ chấm thi từ ngày 1/7 và công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 18/7. Việc hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 20/7.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.
Tính đến ngày 15/6, tổng số thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT là 1.024.063. Trong đó có 37.841 thí sinh tự do, 47.769 thí sinh chỉ xét tốt nghiệp, 34.155 thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học. Số thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa đăng ký tuyển sinh là 943.340, chiếm 92,91%.
Tổng số điểm thi trên cả nước là 2273 với 446.614 phòng thi.
Bộ GD&ĐT huy động gần 8000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 Sở GD&ĐT.
Theo Báo Dân Trí